Tiêm kích Su-37 'Kẻ hủy diệt' - Bước nhảy vọt về công nghệ hay thất bại?

ANTD.VN - Thuộc gia đình Flanker, tiêm kích Su-37 Terminator được chế tạo để thử nghiệm nhiều tính năng và nâng cấp mới, nhằm cải thiện sức mạnh của chiến đấu cơ Su-27.

Su-27 Flanker là một loại chiến đấu rất thành công của Liên Xô, nó được phát triển thành nhiều nền tảng khác nhau cho đa dạng nhiệm vụ, bao gồm Su-30, Su-33, Su-34, Su-35 và đặc biệt là tiêm kích Su-37 Terminator.

Chiếc Su-27M thứ 11, hay Su-27 nâng cấp được định danh là T-10M-11 đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất vào đầu năm 1995, khung máy bay sau đó nhận tên mới Su-37 và được trao cho các nhà thiết kế để thử nghiệm vô số hệ thống và thiết bị.

Mặc dù một số thử nghiệm ban đầu chỉ đơn giản là trên hệ thống radar mới, nhưng bài kiểm tra đã chứng tỏ khả năng đáng kinh ngạc. Radar mới N011M Bars có thể khóa và theo dõi 20 mục tiêu, trong khi radar cũ trên Su-27 chỉ có thể xử lý 15 đối tượng.

Các phi công đã giao tiếp với radar mới này cũng như hệ thống điện tử hàng không được nâng cấp trên tiêm kích Su-37 "Kẻ hủy diệt" bằng cách sử dụng 4 màn hình đa chức năng LCD đủ màu.

Những màn hình này cung cấp nhiều chức năng hơn cũng như hình ảnh đẹp hơn dưới ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên cho đến nay, cải tiến đáng kể nhất trên Su-37 là việc bổ sung các vòi phun vector thay đổi lực đẩy của động cơ.

Thử nghiệm ban đầu của Su-27M cho thấy các phi công không thể duy trì khả năng kiểm soát ở các góc tấn cao, nghĩa là máy bay trở nên khó cơ động ở tốc độ chậm.

Tuy nhiên bắt đầu từ năm 1983, các nhà thiết kế Liên Xô đã thử nghiệm vector lực đẩy cho phép phi công hoặc máy bay thay đổi hướng phụt của dòng phản lực do động cơ tạo ra bằng vòi phun di động.

Tất cả các máy bay phản lực cho đến thời điểm đó đều sử dụng vòi phun cố định, nghĩa là cách duy nhất để cơ động là sử dụng cánh. Khi đó vector lực đẩy là một ý tưởng mới lạ có khả năng định hình lại các chiến thuật không chiến.

Mặc dù Sukhoi không thể trang bị cho Su-37 một động cơ mới và mạnh mẽ, nhưng họ đã có thể lắp đặt các vòi phun thay đổi vector lực đẩy có khả năng lệch trục tới 15 độ.

Thử nghiệm ngay lập tức cho thấy khả năng của chiếc máy bay mới và khi ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Farnborough vào tháng 9/1996, khán giả đã bị mê hoặc bởi động tác Super Cobra - một biến thể của Pulgachev's Cobra.

Cụ thể, phi công kéo máy bay gần thẳng đứng mà không cần tăng độ cao, làm chậm tốc độ bay của chiếc tiêm kích xuống gần bằng 0, trong thực tế động tác này có thể khiến máy bay địch đang truy đuổi quá đà và vọt qua.

Trên chiếc Su-37, phi công Nga Yevgeni Frolov bắt đầu thực hiện động tác đặc biệt đưa máy bay vượt qua phương thẳng đứng. Sau đó anh ta đẩy mũi thẳng lên và giữ nguyên vị trí trong giây lát trước khi cho phép chiếc tiêm kích quay trở lại vị trí bay ngang.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, Su-37 đã bay nhiều lần tại các triển lãm hàng không khác nhau cũng như trong các chuyến bay thử nghiệm, hết lần này đến lần khác chứng minh khả năng của nó.

Nhưng cuối cùng Su-37 đã bị rơi trong một chuyến bay thử nghiệm vào năm 2002, khi bộ ổn định ngang bên trái gặp sự cố, có thể là do vượt quá giới hạn quá tải nhiều lần trong suốt vòng đời của nó.