Tiêm kích hạm J-15T Trung Quốc 'gây sốc' cho Mỹ khi ra mắt

ANTD.VN - Tại Triển lãm hàng không Airshow China 2024 tổ chức tại thành phố Chu Hải, tiêm kích hạm J-15T đã được Trung Quốc cho ra mắt với rất nhiều cải tiến.

Tiêm kích hạm J-15 được xem như bản sao cải tiến từ nguyên mẫu Su-33 chế tạo từ thời Liên Xô, nhưng đến phiên bản J-15T thì khác biệt đã ở mức lớn hơn rất nhiều, thậm chí đã gây sốc cho các quan chức quân sự Mỹ.

Thay đổi đáng chú ý nhất trên J-15T là khả năng cất cánh bằng máy phóng điện từ, khi thiết bị này đã có mặt trên tàu sân bay Phúc Kiến - Type 003 mới nhất của Hải quân Trung Quốc (PLAN).

Thay đổi dễ nhận thấy nhất là bộ phận càng đáp của J-15T đã được tối ưu hóa cho cơ cấu phóng, khả năng cất cánh từ máy phóng điện từ sẽ mang lại cho tiêm kích hạm Trung Quốc tầm bay và tải trọng chiến đấu vượt trội.

Các chuyên gia đến từ cổng thông tin The War Zone (TWZ) đã phân tích chi tiết về tiêm kích hạm mới nhất của Trung Quốc, họ rằng việc PLAN nhận J-15T với nhiều cải tiến đáng giá đã tạo ra vấn đề nghiêm trọng đối với Hải quân Mỹ.

Tờ TWZ nhắc lại, "xương sống" của Lực lượng Hàng không Hải quân Trung Quốc là 66 tiêm kích J-15 - đây là bản sao trực tiếp dựa trên Su-33, nhưng sử dụng toàn bộ vũ khí và thiết bị điện tử hàng không nội địa.

Thông tin hiện nay cho thấy Không quân Hải quân Trung Quốc có thể đã sở hữu ít nhất 15 chiếc J-15T mới nhất và tới 15 máy bay thuộc biến thể J-15B với buồng lái hai chỗ ngồi phục vụ mục đích huấn luyện.

Tiêm kích Su-33 và J-15 nguyên bản do Trung Quốc chế tạo được thiết kế để cất cánh thông qua mũi dốc kiểu nhảy cầu, chúng có bán kính chiến đấu khoảng 1.200 km và tải trọng vũ khí 6.500 kg.

Theo nhận xét, nếu thực sự phiên bản J-15T nói trên có thể mang trọng lượng vũ khí lớn và bay tầm bay xa hơn thì điều này có nghĩa là năng lực của Hàng không Hải quân Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.

Điều này đặc biệt quan trọng giữa bối cảnh liên tục xuất hiện nguy cơ nổ ra cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở những khu vực xa trên biển Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nói về một vài yếu tố quan trọng khác cần quan tâm xung quanh chiếc tiêm kích hạm J-15T, khi chúng nói lên sự tiến bộ mà Trung Quốc đạt được trong công nghệ hàng không.

Thứ nhất, J-15T khác với phiên bản cơ sở không chỉ ở hình dạng phần mũi được thay đổi để cải thiện đặc tính khí động học mà còn ở cấu trúc khung thân chắc chắn hơn nhằm chịu được tải trọng lớn phát sinh khi cất cánh bằng máy phóng điện từ.

Thứ hai, chiếc J-15T đã được trang bị động cơ phản lực WS-10 do Trung Quốc sản xuất, có tính năng kỹ chiến thuật ưu việt hơn loại AL-31F của Nga lắp đặt trên những chiếc Su-33 hay J-15 đời đầu.

Trước đây Trung Quốc không thể khắc phục được những hạn chế về công nghệ trong việc chế tạo động cơ cho tiêm kích hạm, nhưng giờ đây họ đã giải quyết được vấn đề này, thậm chí còn đang vượt qua cả Nga.

Trong tương lai, Trung Quốc có thể chế tạo hàng trăm chiếc J-15T với tính năng đáng gờm để trang bị đủ cho 6 nhóm tác chiến tàu sân bay, bên cạnh chiếc J-35A thế hệ thứ năm mới ra mắt, tạo ra sức mạnh trên không áp đảo lực lượng Mỹ và đồng minh tại khu vực Thái Bình Dương.