Tiêm kích F-16I Sufa mang tới lợi thế tuyệt đối cho Không quân Israel

ANTD.VN - Hiện tại Không quân Israel chỉ còn sử dụng biến thể tiêm kích F-16I Sufa và loại biên những chiếc F-16A/B Netz cũ hơn.

Tiêm kích F-16I Sufa chính là xương sống của Không quân Israel (IAF), phương tiện này đã lập nên rất nhiều chiến công sau thời gian dài sử dụng và vẫn phát huy vai trò trong tình hình hiện nay, bất chấp IAF đã có những chiến đấu cơ mạnh mẽ hơn.

Cần lưu ý rằng tiêm kích F-16I Sufa chính là một biến thể F-16C/D Fighting Falcon Block 52 được Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo theo yêu cầu riêng của giới chức quân sự Tel Aviv.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất trên tiêm kích F-16I Sufa đó là vũ khí của nó đều do Israel chế tạo, bao gồm tên lửa không đối không Python, Derby; tên lửa không đối đất Delilah, Rampage, Popeye Turbo...

Những tính năng khác của F-16I Sufa vẫn tương tự F-16 Block 52, máy bay được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) loại AN/APG-68 (V5) với chế độ tự động phát hiện và bám bắt mục tiêu.

Tầm trinh sát tối đa của radar AN/APG-68 (V5) lên tới 296 km đối với máy bay cỡ lớn, hoặc 105 km đối với tiêm kích có diện tích phản xạ radar (RCS) 5m2, theo dõi được 10 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 đối tượng cùng lúc.

Bên cạnh đó, động cơ F100-PW-229 đặc trưng của F-16 Block 52 có độ tin cậy rất cao và hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ phi công cho khả năng không chiến cực mạnh ở cả tầm xa lẫn tầm gần.

Tiêm kích F-16I Sufa của Không quân Israel có thể đạt tới tốc độ tối đa Mach 2, khả năng chịu quá tải ở mức 9G, bán kính chiến đấu 550 km, trần bay 15.000 m, tải trọng vũ khí tối đa 5 tấn.

Nhiều chiếc F-16I Sufa thậm chí được nâng cấp theo cấu hình F-16C/D Block 52 Plus với đặc điểm nhận biết chính là thùng dầu phụ hòa nhập khí động dung tích 600 gallon gắn trên thân (có khả năng tháo rời), cho tầm bay chuyển sân lên đến gần 4.000 km.

Mặc dù khi mang theo thùng dầu phụ hòa nhập khí động nói trên thì máy bay sẽ trở nên nặng nề hơn đáng kể, vận tốc tối đa giảm xuống còn Mach 1,5, nhưng đánh đổi này vẫn rất đáng giá khi thực hiện vai trò cường kích tấn công mặt đất.

F-16I Sufa cùng với F-15I Ra'am từng là 2 quân át chủ bài của Không quân Israel trong các nhiệm vụ oanh kích mục tiêu trên đất Syria, trước khi tiêm kích tàng hình F-35I Adir chính thức hoạt động.

Tuy nhiên ngay cả khi F-35I Adir đã chính thức tham chiến thì vai trò của F-16I Sufa trong Không quân Israel vẫn là cực kỳ quan trọng, chưa thể sớm bị thay thế ngay cả tương lai gần lẫn sau này.

Trong nhiều phi vụ, F-16I Sufa đã đảm nhiệm chức năng mới đó là "trợ thủ" của F-35I Adir, thực hiện vai trò quấy phá, gây nhiễu đối với hệ thống phòng không Syria để chiếc tiêm kích tàng hình rảnh tay hành động.

Ngoài chức năng cường kích, F-16I Sufa vẫn sẽ là xương sống bảo vệ bầu trời Israel bởi vì các phi vụ tuần tra bằng tiêm kích hạng nhẹ có giá thành rẻ hơn nhiều so với huy động chiến đấu cơ hạng nặng.

Hiện tại khi phiên bản tiêm kích F-16E/F Block 70/72 ra đời với radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), không loại trừ khả năng F-16I Sufa sẽ trải qua gói nâng cấp lớn trong thời gian sắp tới để trở nên đáng sợ hơn.