Đối với các hãng vận tải biển thương mại quốc tế, việc nối lại hoạt động trong khi cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ vẫn căng thẳng là đòi hỏi cực kỳ cấp thiết vào thời điểm hiện nay.
Tình hình kinh tế thế giới hiện không đủ tốt, hay nói đúng hơn là tồi tệ, cho nên không thể chịu nổi cú sốc tăng giá đối với sản phẩm năng lượng cũng như các loại hàng hóa thiết yếu do cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ gây ra.
Chiến dịch quân sự do Mỹ và đồng minh tiến hành nhằm vào lực lượng Houthi để “lập lại trật tự” không thực sự phát huy tác dụng như mong đợi. Vì vậy các công ty vận tải phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho bài toán hậu cần, hướng đến giảm chi phí trong thời điểm khó khăn.
Chính sách mới đã được đưa ra, đó là những thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu có liên quan tới Mỹ, Anh, Israel và các nước G7 sẽ được trả lương gấp đôi cho những ngày họ ở trong khu vực nguy hiểm nhất của Biển Đỏ.
Ngoài ra thủy thủ có thể vào bờ mà không cần đến địa điểm nguy hiểm nếu họ muốn, và sẽ được thay thế bởi những người chấp nhận mức lương cao, đây là thỏa thuận giữa những hãng vận tải và công đoàn được đăng tải bởi hãng tin Anh Reuter.
Nautilus International - một liên minh đại diện cho hơn 200.000 thuyền viên chuyên nghiệp cho biết thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 19/1/2024 và được mở rộng từ khuyến nghị trước đó, chỉ áp dụng cho những tàu vận tải thuộc sở hữu của Israel.
Cách tiếp cận thay thế nói trên cùng với bảo hiểm chuyến đi có bảo đảm sẽ cho phép tăng số lượng tàu vận tải đi qua vùng nguy hiểm của eo biển Bab el-Mandeb và Biển Đỏ.
Rõ ràng chi phí bổ sung tăng thêm nhằm trả lương cho thủy thủ vẫn rẻ hơn rất nhiều nếu so với thiệt hại do chuyến đi dài hơn vì phải vòng qua châu Phi, cũng như sự chậm trễ trong việc giao hàng hóa cũng như mặt hàng năng lượng.
Quyết định của Nautilus International cũng được đưa ra bởi thực tế là những cuộc tấn công của Houthi theo nhận xét mang tính chất biểu tượng hơn là thực tế, khi họ chưa đánh chìm hay bắt giữ một con tàu nào đi qua vùng kiểm soát của họ.
Với diễn biến trên, quyết tâm tiếp tục hành trình với sự tham gia của những "tình nguyện viên" đã được đưa ra ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ và bây giờ đã trở thành phương án áp dụng chính thức.
Theo nhận xét, phương án này có thể sẽ thu hút nhiều hãng vận tải biển sẵn sàng đi theo tuyến đường truyền thống và tăng khối lượng hàng hóa trên tàu, đưa trở lại mức trước khi căng thẳng nổ ra.
Tất cả những biện pháp nói trên thực sự có thể giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua thời kỳ khó khăn, tất nhiên trừ khi leo thang quân sự phá hỏng hoàn toàn mọi nỗ lực.
Đây là nguy cơ có thực khi những cuộc tấn công của Mỹ và Anh ngày càng trở nên quyết liệt hơn, đồng thời phía Houthi cũng cảnh báo sẽ có hành động mạnh mẽ hơn trước.
Viễn cảnh xấu nhất thậm chí cũng được nhắc tới, đó là Liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu sẽ tấn công cả vào Iran nhằm cắt đứt việc cung cấp vũ khí cho Houthi, khi đó cuộc chiến có nguy cơ mất kiểm soát.