Thủy phi cơ siêu dị Bartini VVA-14 của Liên Xô có thể diệt tàu ngầm hạt nhân, vì sao chết yểu?

ANTD.VN -  Liên Xô phát triển thủy phi cơ siêu dị Bartini Beriev VVA-14 nhằm mục tiêu hủy diệt các loại tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên sau khi nhà sáng chế qua đời và nhận ra tính hiệu quả thấp, Moscow đã cho ngừng dự án này. 
Nền khoa học công nghệ kỹ thuật Liên Xô luôn có những sáng chế không tưởng và Bartini Beriev VVA-14 là một trong số đó.
Với khả năng cất cánh cả trên cạn lẫn dưới mặt nước, loại vũ khí này có tham vọng sẽ là sát thủ diệt tàu ngầm của Mỹ trên khắp đại dương.
Bartini Beriev VVA-14 là một trong những thủy phi cơ săn ngầm lớn nhất thế giới mà con người từng chế tạo.
VVA-14 - các chữ cái là từ viết tắt của "máy bay đổ bộ cất cánh thẳng đứng" và 14 là số động cơ - được thiết kế để cất cánh từ bất cứ đâu mà không cần đường băng và có khả năng bay liên tục ngay phía trên mặt nước.
Được thiết kế vào những năm 1960, chiếc máy bay này là câu trả lời đối với tên lửa đạn đạo UGM-27 Polaris.

Mỹ đã triển khai loại tên lửa này từ năm 1961 trên hạm đội tàu ngầm nhằm mục tiêu răn đe hạt nhân.

Các nhà thiết kế tham vọng tạo ra một mẫu phi cơ hoạt động tốt cả ở độ cao lớn hoặc bay sát bề mặt biển. Việc cất và hạ cánh trên mặt nước giúp làm tăng khả năng cơ động của máy bay.
Nguyên mẫu đầu tiên của VVA-14 hoàn thiện và cất cánh từ đường băng vào năm 1972.
Nhưng tổng công trình sư Robert Bartini - người sáng chế ra loại vũ khí này qua đời năm 1974 khiến dự án đình trệ trước khi bị hủy bỏ dù các mẫu thử nghiệm đã thực hiện 107 lần cất cánh với tổng thời gian bay đạt 103 giờ.
Với phi hành đoàn 3 người, VVA-14 từng có khả năng di chuyển với vận tốc 760km/h cùng tầm bay đạt 2.450km.

Trần bay của nó đạt 10.000m trong khi tải trọng cất cánh tối đa đạt 52.000kg

Andrii Sovenko, một nhà sử học hàng không Liên Xô cho biết: “VVA-14 là một chiếc thuyền bay cất cánh từ mặt nước, hạ cánh theo phương thẳng đứng, bay như một chiếc máy bay thông thường”.
Năm 2005, Andrii Sovenko gặp Nikolai Pogorelov, trợ lý của Robert Bartini trong giai đoạn thiết kế máy bay.
"Theo Nikolai Pogorelov, Robert Bartini là một người nhìn xa trông rộng, có trí óc và tính cách khác thường. Không nghi ngờ gì, Robert Bartini đã để lại dấu ấn trong việc chế tạo máy bay của Liên Xô”, ông Sovenko nói.
Vẻ ngoài kỳ quặc khiến VVA-14 có biệt danh là Zmei Gorynich, theo tên một con rồng trong truyện dân gian Nga.
Ông Andrii Sovenko cho biết: “Khi nhìn từ mặt đất, VVA-14 gây ra sự liên tưởng với Zmei Gorynych: nó cũng có ba cái đầu, đôi cánh tương đối nhỏ”.
Nguyên mẫu thứ hai được cho là sẽ được trang bị động cơ cất cánh thẳng đứng, nhưng rồi điều này không xảy ra, vì loại động cơ phù hợp chưa bao giờ được phát triển.

Dự án chết yểu khi cha đẻ của chúng qua đời, và chiếc máy bay VVA-14 đã bị tháo rời.

Tổng công trình sư Robert Bartini đã cố gắng thổi luồng sinh khí mới vào VVA-14 bằng cách nó biến thành ekranoplan, một loại máy bay sử dụng hiệu ứng mặt đất để lướt gần các bề mặt như nước ở tốc độ cao giống như thủy phi cơ.
Liên Xô trở thành nước dẫn đầu không thể tranh cãi trong lĩnh vực này. Tuy nhiên rất tiếc dự án đã không thể thành công.
"Tôi nghĩ quân đội Liên Xô rất nhanh chóng nhận ra rằng hiệu quả của VVA-14 như một máy bay chống ngầm sẽ rất thấp”, ông Andrii Sovenko nói.
"VVA-14 chỉ có thể mang một số lượng rất nhỏ tên lửa và những thách thức kỹ thuật khi tạo ra một phương tiện bất thường như vậy là rất lớn”, ông Andrii Sovenko nhấn mạnh.
Sau khi dự án bị hủy bỏ, nguyên mẫu VVA-14 được chuyển bằng sà lan từ Taganrog ở miền nam nước Nga, nơi nó đã được chế tạo và thử nghiệm, đến một thị trấn nhỏ gần Moscow.
Cuối cùng, hải quân Liên Xô dựa vào nhiều máy bay thông thường hơn cho công việc chống ngầm.
Nguyên mẫu được tháo rời và bỏ không có người chăm sóc. Không ai còn nhận ra chiếc thủy phi cơ này từng có chiều dài 25,97m, sải cánh 30m cùng chiều cao 6,79m.