Báo Mỹ:

Thụy Điển trở nên ‘mềm mại’ trong lúc chờ được phê duyệt tư cách thành viên NATO?

ANTD.VN - Báo chí Mỹ nhận xét rằng, chính sách của Thuỵ Điển đã trở nên "mềm mại" trong lúc chờ đợi để được nhận tư cách thành viên của khối liên minh quân sự NATO.

"Thụy Điển hiện nay đang mong muốn cơ được tư cách thành viên NATO, tuy nhiên để mang lại lợi ích to lớn cho liên minh quân sự phương Tây, thì họ nên... rút lui", nhà bảo người Mỹ Michael Rubin mới đây có bài phân tích về khía cạnh này trên ấn phẩm 19FortyFive.

Một vài tháng trước, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO và quy trình kết nạp hai nước này hiện đang được xúc tiến. Theo những quy tắc của liên minh, việc kết nạp các quốc gia mới phải được sự chấp thuận của tất cả mọi thành viên hiện tại của khối.

Theo nhà báo Michael Rubin, trong thời gian gần đây, một câu hỏi ngày càng được đặt ra nhiều hơn ở phương Tây, đó là NATO liệu có nên mở rộng thành viên?

“Phần Lan và Thụy Điển là những quốc gia thuộc khu vực Scandinavia vốn có quan điểm trung lập, họ đã quyết định xin gia nhập NATO”, tác giả của bài viết trên tờ 19FortyFive viết.

Nhà phân tích của tờ báo Mỹ lưu ý rằng Phần Lan có đường biên giới dài với Nga và do vậy việc nước này trở thành thành viên có ý nghĩa quan trọng trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Đối với Thụy Điển, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Thực tế là sau khi Stockholm và Helsinki bày tỏ ý muốn trở thành thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn ngay đơn đăng ký của họ, Ankara đã đưa ra một số yêu cầu đối với Stockholm và đang chờ thực hiện.

Theo nhà báo Michael Rubin, chính phủ Thụy Điển đã có sự thay đổi chính sách mềm mại trong quá trình các quốc gia khác xem xét đơn đăng ký.

Stockholm bắt đầu tuân thủ các yêu cầu được Ankara đưa ra. Cụ thể, một nhà hoạt động người Kurd trước đây đã nhận được quy chế tị nạn chính trị ở Thụy Điển, nhưng vừa bị dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong việc này tờ báo Mỹ đánh giá, nhà nước thuộc vùng Scandinavia cơ vẻ đã đi ngược các tiêu chuẩn pháp lý của chính mình.

Ông Michael Rubin cho rằng trong tình hình như vậy, Thụy Điển sẽ "hỗ trợ" NATO nếu họ tự nguyện rút đơn xin gia nhập. Điều này sẽ tốt hơn cho tất cả các bên.

Trong trường hợp Thụy Điển nhờ Mỹ gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ, có nguy cơ làm bùng phát mâu thuẫn trong nội bộ liên minh quân sự, và điều này cũng không có lợi cho NATO, bởi Ankara vẫn là một quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng.

Mặc dù vậy, khả năng Thụy Điển sẽ từ bỏ ý định trở thành thành viên NATO là rất khó xảy ra, bởi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có truyền thống "đồng ý vào phút chót" nếu các yêu sách của họ được chấp thuận.

Không chỉ có vậy, NATO rất cần một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng và sở hữu tiềm lực khoa học kỹ thuật cũng như sức mạnh quân sự đáng gờm như Thụy Điển.