Thương lắm miền Trung

ANTĐ - Tháng trước, bão số 10 vừa mới quét qua miền Trung gây ra những thiệt hại nặng nề, nay bão số 11 được đánh giá là mạnh không thua bão Xangsane (năm 2006) đã tàn phá một dải từ Quảng Ngãi ra đến Quảng Bình, khiến một vùng đất đẹp và thơ mộng như bị biến dạng, xơ xác, tiêu điều. 

Hàng chục người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm người bị thương; hàng trăm nghìn ngôi nhà, trường học, trạm Y tế bị tốc mái, sập đổ, ngập sâu trong nước; hàng trăm tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, hàng trăm nghìn héc-ta hoa màu bị hỏng… Tài sản của nhiều gia đình nghèo hầu như bị bão cuốn bay, thổi sạch. Sau bão là lũ, lo khắc phục bão chưa xong người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế lại đang dồn sức chống chọi với lũ.

Đã thành truyền thống, cả nước lại chung tay, chung lòng sẻ chia với những mất mát của miền Trung. Ai ai cũng đều mong góp một phần nhỏ mong làm vơi đi nỗi đau, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng bão lũ vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống. Những chuyến xe cứu trợ đang nối đuôi nhau theo tuyến Quốc lộ 1A đến với hơn 5 triệu người dân ở khúc ruột miền Trung đang gian nan gánh chịu hậu quả của các đợt bão lũ kéo dài. Với sự hỗ trợ kịp thời của cả nước và kinh nghiệm chống chọi với thiên tai, người dân miền Trung sẽ lại hàn gắn những vết thương, những mất mát do bão lũ gây ra. Thế nhưng vẫn đau đáu, xót xa khi nhớ  đến hình ảnh những người dân chơi vơi trên nóc ngôi nhà lọt thỏm giữa biển nước mênh mông; những đôi mắt ngấn lệ của người già, con trẻ gần như không còn gì ngoài manh áo mặc trên người… Xót xa bởi bão lũ thiên tai đã tàn phá ruộng vườn, cuốn trôi tài sản… là điều khó tránh, nhưng vẫn có thể giảm thiểu tổn thất nếu như không để xảy ra những thiệt hại mà lẽ ra có thể tránh khỏi một khi chúng ta chủ động ứng phó hơn. Trên truyền hình thấy cảnh người dân miền Trung quẳng các bao tải đất cát lên nóc nhà tránh… tốc mái. Chống bão là vậy,  còn lũ? Lũ lớn, về nhanh, rộng là do thiếu những tuyến ngăn lũ, điều tiết lũ hiệu quả. Chưa kể rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị khai thác bừa bãi. Nay lại đã có những bài học đau xót, nghiêm trọng về hậu quả lũ lụt từ quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện gây ra. Hồ chứa thủy điện nhỏ và vừa không theo quy hoạch, xây dựng tràn lan, chất lượng không đạt quy chuẩn. Hồ chứa thủy lợi đã xuống cấp nghiêm trọng, vận hành kém. Thật nghịch lý khi hồ thủy điện, thủy lợi lẽ ra phải giúp dân giảm lũ mà lại bất thần xả lũ xuống khiến dân không còn biết chạy đi đâu chịu cảnh trắng tay, thiệt hại cả người lẫn của.

Câu hỏi là tại sao không có những giải pháp căn cơ hơn để thiên tai không làm bao người dân cứ mãi lâm vào cảnh nghèo khó. Đến bao giờ người dân ở khúc ruột miền Trung mới được những cơ quan chức năng, những nhà khoa học thiết kế cho những kiểu nhà ở vùng bão lũ?

Bão lũ dường như cứ “đến hẹn lại lên”, con người phải “chung sống” với nó. Nhưng thay vì lần nào cũng tất bật cứu trợ, mà nếu như có những giải pháp khoa học công nghệ cho người dân vùng lũ không bị mất đi tất cả những gì khó khăn lắm mới chắt chiu có được, để lại phía sau bao xót xa, đau đớn đến nghẹn lòng, và “khúc ruột” miền Trung không còn phải oằn mình chống chọi, nơm nớp sống trong sợ hãi mỗi mùa mưa bão về.

Buồn thương, xót xa, lo lắng… rưng rưng trong tim hàng triệu con dân đất Việt hướng về nơi vùng rốn lũ hàng năm đều phải chịu những vất vả, đau thương do lũ lụt gây ra.