Thực phẩm “tối màu” bổ dưỡng hơn?

ANTĐ - Giữa bánh mì, thịt gà, trứng gia cầm… màu trắng và màu tối, nhiều người quan niệm nên chọn màu tối vì có nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nhưng không phải vậy, đôi khi màu sắc không nói lên điều đó.

Trứng trắng và nâu

Trong trường hợp này, màu nâu không có nghĩa là trứng nhiều dinh dưỡng hơn. Màu sắc của vỏ trứng không ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng hoặc chất lượng hương vị của quả trứng. Màu vỏ trứng này phụ thuộc vào giống của gà mái. Dù nâu hay trắng thì một quả trứng thông thường cung cấp 76 calo, 5 gam chất béo, 1,6 gam chất béo bão hòa và 193 miligam cholesterol.

Đường trắng và đường nâu

Tương tự như vậy, đường nâu không tốt hơn đường trắng. Giá trị của chúng là như nhau khi được pha, nêm với thực phẩm. Tùy vào tỷ lệ mật đường được đưa vào trong quá trình chế biến mà đường thành phẩm có màu từ màu sáng đến nâu sẫm. Dù mật đường là nguồn tốt gồm các khoáng chất như magiê, canxi và kali, tuy nhiên dùng một thìa cà phê đường nâu không tốt hơn đường trắng là bao nhiêu.

Thịt gà “thâm” và trắng

 Sự thật là thịt gia cầm ở phần ức có hàm lượng calo và chất béo không bằng phần chân và đùi. Nếu bạn muốn có nhiều chất dinh dưỡng hơn, hãy chọn miếng thịt tối màu hơn. Theo tính toán, phần chân và đùi còn chứa nhiều thành phần sắt, kẽm, đồng, folate, mangan và riboflavin hơn thịt ức. Nhưng nhìn chung, thịt gia cầm đều giàu chất đạm dù miếng thịt trắng hay “thâm”.

Bánh mì đen và trắng

Nhiều người dễ dàng giả định bánh mì đen bổ dưỡng hơn bánh mì trắng. Điều này không đúng. Nếu tìm hiểu thành phần nguyên liệu thì trong danh sách đó phần lớn là bột mì trắng, tiếp theo là bột lúa mạch đen. Mật mía hoặc caramel cũng có thể được gia giảm thêm cho “lên màu”. Về mặt dinh dưỡng, bánh mì đen và trắng không khác nhau là mấy. Các axit được sinh ra trong quá trình ủ bột chua kết hợp với các chất xơ trong lúa mạch tạo nên sản phẩm bánh mì có chỉ số đường thấp, khi ăn vào nó sẽ được tiêu hóa từ từ, không làm biến động độ đường hay insulin trong máu.