Thực phẩm Tết, nguy cơ thịt “ngoại” lấn át

ANTĐ - Năm nay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt đã kích thích người chăn nuôi tăng đàn, đặc biệt dịp cuối năm để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán. Tuy vậy, người chăn nuôi vẫn e ngại vì thực phẩm ngoại ồ ạt nhập vào cuối năm.

Thực phẩm Tết, nguy cơ thịt “ngoại” lấn át ảnh 1Người chăn nuôi lo ngại thịt ngoại tràn vào dịp cuối năm

Dồi dào nguồn cung

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho hay, từ giữa năm 2014 đến nay, giá gia súc, gia cầm có xu hướng tăng nhẹ trở lại, cùng với đó là việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã kích thích người chăn nuôi tái đàn. Số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, đàn lợn tăng 1,5-2,0% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi tăng 2,2%. Tổng đàn gia cầm tăng 2%, sản lượng thịt gia cầm tăng 2,8%, sản lượng trứng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về giá cả, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2015 khó ở mức cao, vì sức tiêu thụ trong dân không có sự đột biến, nguồn cung đến thời điểm này được nhận định là khá dồi dào. Tuy vậy, Cục này cũng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm soát vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm và tạm nhập tái xuất thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường và sản xuất chăn nuôi trong nước.

Về phía hộ chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết, trung bình mỗi năm HTX cung cấp khoảng 90.000 tấn thịt lợn hơi ra thị trường. “Hiện giá lợn xuất chuồng đang ở mức 51.000 đồng/kg, cao hơn giai đoạn trước khoảng 20%, nên người chăn nuôi đang có lãi và yên tâm tái đàn phục vụ Tết”, ông Thanh chia sẻ.

Doanh nghiệp “sính” thịt ngoại

Tuy vậy,  còn khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nên người chăn nuôi vẫn không tránh khỏi tâm lý e dè. Thống kê cho thấy, lượng thịt nhập khẩu đang có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Cục Chăn nuôi cho biết, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 250 tấn thịt lợn. Thịt nhập khẩu chủ yếu là thịt vai, thịt đùi, ba rọi, chân giò đông lạnh... có giá nhập khẩu bình quân 1,95USD/kg.

Đặc biệt, từ tháng 9, nhu cầu nhập khẩu đã tăng đột biến. Tổng lượng thịt lợn nhập trong tháng 9-2014 là 257 tấn, tăng 70,2%; Tổng lượng thịt gà nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 28.755 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2013. Thịt bò được đánh giá là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng chóng mặt. Tổng lượng trâu, bò thịt sống nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 176.603 con (tăng 61,8% so với cùng kỳ 2013), kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến so với cùng kỳ, đạt 155,7 triệu USD (tăng 233,6%). Trong đó, đàn bò thịt thương phẩm chiếm 87,7% tổng đàn, trâu chiếm 12,3%. Có 2 quốc gia xuất khẩu trâu bò sống sang Việt Nam là Úc (chiếm 82,2% về kim ngạch và 61,6% về số lượng nhập khẩu) và Thái Lan (chiếm 17,8% về kim ngạch và 38,4% về lượng nhập).

Ông Nguyễn Văn Trọng lo ngại, việc nhập khẩu trâu bò sống về giết mổ đang mang lại nguồn lợi nhuận lớn nên không ít doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực này. Theo tính toán, trung bình mỗi tháng Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 12.000-15.000 con bò, giá bình quân khi về đến Việt Nam khoảng 70-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi giết mổ và đưa vào siêu thị, bán ra thị trường, thịt bò Úc thường có giá từ 200.000-400.000 đồng/kg, tùy loại thịt. “Với lợi nhuận quá lớn như vậy,  chẳng doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào chăn nuôi trong nước mà sẽ chọn cách nhập khẩu về bán. Cũng vì vậy, thời gian gần đây đã có thêm nhiều doanh nghiệp xin tham gia vào lĩnh vực này. Một số địa phương chăn nuôi trâu bò đã không còn đất “sống” như Ninh Bình”, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay. 

Số liệu thống kê về gia súc, gia cầm của Việt Nam theo nhận định của Cục Chăn nuôi còn rất vênh và thiếu chính xác. Đây cũng là một trong những lý do vì sao dự báo cung cầu thường không sát diễn biến thị trường. Trong khi đó, chăn nuôi trong nước còn phụ thuộc khá nhiều vào chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, chăn nuôi theo cảm tính và bị động chạy theo cung cầu, giá cả đắt lại đổ xô vào nuôi, giá hạ lại bỏ chuồng hàng loạt.

5% mẫu thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, cơ quan này đã thực hiện đợt kiểm tra 462 cơ sở thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, giết mổ… với 1.011 mẫu thức ăn chăn nuôi tại 6 tỉnh trọng điểm. Kết quả, có 11,6% thức ăn chăn nuôi vi phạm về chất lượng, 5,2% có chứa chất cấm. Đối với các mẫu được thu thập qua nước tiểu lợn, có 3,86% được phát hiện có chất cấm. Đối với các mẫu thịt, gan, thận có 17,7% vi phạm chỉ tiêu dư lượng kháng sinh.