Thực phẩm chức năng điều trị ung thư: Loạn & nhiễu

ANTĐ - Thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị ung thư đang được quảng cáo nhan nhản tại các hiệu thuốc và trên mạng Internet. Những bệnh nhân bị ung thư thì như “bắt được vàng” khi mua được những thực phẩm chức năng này bất chấp với giá “cắt cổ”. Tuy nhiên điều đáng nói là nó có thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn?

Loạn!

Trước cổng Bệnh viện K (Quán Sứ) và cơ sở 2 ở Tam Hiệp, Thanh Trì điều dễ nhận thấy nhất tại các cửa hàng bán thuốc, là hàng loạt các poster, biển quảng cáo các loại thực phẩm chức năng được bào chế từ nhân sâm, linh chi của đủ các nước Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc… Dừng chân tại một quầy thuốc trước cổng Bệnh viện K, chúng tôi ngỏ ý muốn mua thực phẩm chức năng điều trị ung thư, chị bán hàng đon đả ngay: Em mua Sun Ginseng đi.

Đây là thuốc cực tốt bào chế từ hồng sâm của Hàn Quốc, có khả năng ngừa tế bào ung thư, chống tái phát ung thư, rất hợp với những người bị ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, đại tràng, vú, xương... nói chung là đủ loại ung thư đều dùng được hết. Cái này chị bán chạy lắm. Nếu không em dùng Agel UMI cũng có tác dụng tương tự.  

Khi tôi hỏi giá chị cho biết luôn: Sun Ginseng 8 triệu đồng/hộp dùng được trong một tháng, cái này nhập khẩu từ Hàn Quốc, Agel UMI 2,5 triệu đồng/hộp, Noni 3 triệu đồng/hộp.  Thắc mắc về mức giá quá cao của các loại thực phẩm chức năng này, chúng tôi được nữ nhân viên giải thích thêm: “Tác dụng tốt gấp đôi loại trong nước, lại còn hỗ trợ điều trị rất nhiều loại ung thư khác thì đương nhiên phải đắt rồi. Loại này phải dùng rất kiên trì. Mà cũng không dễ mua đâu, vì khan hàng lắm. Hàng về đến đâu hết đến đó. 

Nhiễu!

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, quê Đại Từ, Thái Nguyên, 60 tuổi hiện đang điều trị ung thư vòm họng tại Bệnh viện K cũng cho biết đã bỏ hơn 40 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng để điều trị phối hợp: Các bệnh nhân ở đây đều đã mua thực phẩm chức năng, người mua ít, người mua nhiều. Thấy mọi người đồn dùng có tác dụng nên tôi cứ nhắm mắt mua xem thế nào. Chứ bệnh này sống được bao nhiêu nữa mà còn tiếc tiền. Loại thực phẩm chức năng mà ông Dũng đã dùng là Sun Ginseng,  White L-Glutathione.

Không chỉ gây nhiễu loạn trên thị trường mà thực phẩm chức năng được quảng cáo điều trị ung thư cũng “làm mưa làm gió” trên mạng Internet. Chỉ cần vào Google gõ: thực phẩm chức năng chữa bệnh ung thư sẽ cho hàng loạt kết quả các loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Ví dụ Noni được quảng cáo: dùng kết hợp trong quá trình phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị… để  làm teo, hạn chế sự phát triển khối u. Hay rất nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với những lời lẽ hút khách kiểu như: “Thuốc có thành phần từ các thảo dược quý hiếm, có tác dụng bồi bổ và tăng cường năng lượng cho tế bào, thúc đẩy sự lưu thông và thải độc ở hệ bạch huyết; hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm, u nang tuyến giáp, u nang buồng trứng cũng như ung thư và các hệ quả phụ của hóa trị và xạ trị hóa trị và xạ trị liệu...

Với những lời quảng cáo như vậy rất dễ nhiễu thông tin và đặc biệt là tạo  lầm lẫn đối với người bệnh rằng thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh ung thư. Tuy nhiên, theo trình dược viên Nguyễn Văn Hoàng, trên thực tế không có loại thực phẩm chức năng nào có thể trị được bệnh ung thư. Nắm bắt tâm lý những người mắc bệnh nan y thường không tiếc tiền mua thuốc với hy vọng kéo dài sự sống nên các doanh nghiệp kinh doanh TPCN đã tung rất nhiều chiêu để móc túi người bệnh. Một trong những chiêu có hiệu quả nhất là “khoanh vùng” các bệnh viện, khu vực có đông người khám chữa bệnh ung thư rồi hợp tác với các dược sĩ, bác sĩ tư vấn cho người bệnh, bán được sản phẩm thì chia hoa hồng.  Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng, cũng khẳng định: TPCN không thể chữa bệnh nào hết, với ung thư thì càng không. Nếu người nào nói dùng TPCN để chữa bệnh thì phải đem ra mà chém đầu.

Theo một nghiên cứu của  Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tại Việt Nam, có 60% số người được phỏng vấn cho biết họ rất tin vào các hình thức quảng cáo. Việt Nam cũng đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia tin vào quảng cáo nhất. Có lẽ đó chính là lý do khiến người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu để mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo theo đúng nguyện vọng của họ  mà không cần biết nó có tác dụng thực sự hay không.