Thực hư việc lỗ - lãi sân khấu tết

ANTĐ - Chương trình hài kịch “Phi đội hoàn hảo” vừa diễn ra tại rạp Thanh niên, số 37 Trần Bình Trọng đã khép lại chuỗi các hoạt động phục vụ khán giả trong dịp tết của các nhà hát tại Hà Nội. Sau những lời đồn thổi về thực hư của việc lỗ lãi sân khấu ngày tết, bức màn bí mật đã dần được vén lên.

Các trích đoạn truyền thống thường được các nhà hát lựa chọn biểu diễn

“Lỗ toàn miền Bắc”

Đó là lời khẳng định của NSƯT Chí Trung, trưởng đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ về việc làm sân khấu ngày tết. Đã có 34 năm chinh chiến dọc ngang cùng sân khấu miền Bắc vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của các hoạt động giải trí, nghệ sĩ không lạ lẫm với cảnh tượng rạp hát vắng hoe, đìu hiu đến chạnh lòng.

Kiểm điểm lại bản thân để tìm ra nguyên nhân khắc phục, ban đầu, các nghệ sĩ đã đổ lỗi cho việc dàn dựng cũ kỹ và kịch bản nghèo nàn. Nhưng sau khi đổi mới, Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị nghệ thuật hàng đầu tại Hà Nội cũng chào thua trong việc tìm cách lôi kéo khán giả đến với rạp hát vào dịp tết. NSƯT Chí Trung còn khẳng định, các chương trình hài kịch mà anh và các nghệ sỹ của đoàn kịch 2 dàn dựng đều có sự góp mặt của các diễn viên gạo cội và có chất lượng nhưng cũng không có ai mua vé.

Điều đáng nói, cho dù biết thừa có dựng hay đến mấy vẫn lỗ nhưng các nhà hát vẫn tiếp tục dàn dựng các chương trình nghệ thuật vào dịp Tết Nguyên đán. Điều này được lý giải bằng việc cơ chế hoạt động của các nhà hát hiện nay vẫn được bao cấp bởi Nhà nước. Vì thế, ngoài nguồn tiền bán vé, các nhà hát còn có nguồn thu khác lấy từ ngân sách Nhà nước.


Gây dựng thương hiệu

Thế nhưng, còn một điều nữa để lý giải cho việc dàn dựng các chương trình của các nhà hát vào mỗi dịp tết từ lý do xây dựng thương hiệu trong lòng khán giả. Đó là công việc của các nghệ sĩ và họ dày công vun đắp tên tuổi của nhà hát để khán giả không quên sự hiện diện của các đoàn nghệ thuật. Từ thương hiệu được gây dựng, các nhà hát sẽ đưa các nghệ sĩ đi biểu diễn ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền Bắc để thu lại nguồn chi đã bỏ ra. Và ở đó, trái ngược hẳn với cảnh khán giả “chợ chiều”, người xem tại những tỉnh mà đoàn dừng chân đều hồ hởi đón nhận. Và tất nhiên, vé bán được nhiều thì đời sống của anh em nghệ sĩ cũng được cải thiện.

Các nhà hát truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, cho dù đã chiều theo thị hiếu của khán giả thích thưởng thức những trích đoạn ngắn và mang tính “hài” thì lượng khán giả đến với rạp hát vẫn rất ít. Nhưng do có chủ trương bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc nên các nhà hát vẫn cứ sáng đèn. Tất nhiên, nguồn bù lỗ vẫn được lấy từ kinh phí hoạt động biểu diễn hàng năm của nhà hát. Hơn nữa, với sự yêu mến các bộ môn nghệ thuật truyền thống của khán giả các tỉnh, nhà hát đóng trên địa bàn Hà Nội đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các lễ hội, các sân khấu làng. Và như một cái vòng luẩn quẩn, lấy chỗ này đắp cho chỗ khác, sân khấu ngày tết vì thế vẫn hiện diện trong đời sống nghệ thuật của nhân dân Thủ đô.