Thừa bằng, thiếu chất xám

ANTĐ - Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, trong 5 chỉ tiêu quan trọng không đạt được, có 2 chỉ tiêu đáng lo ngại là tăng trưởng GDP và chỉ tiêu tạo việc làm mới. Lại một lần nữa chỉ tiêu tạo thêm việc làm không về đích, khi mục tiêu là 1,6 triệu người nhưng chỉ đạt 1,515 triệu người. Con số này không quá bất ngờ với các đại biểu Quốc hội bởi độ chuẩn xác của số liệu thống kê so với diễn tiến thị trường lao động.

Cách đây đúng một năm, khi con số 1,583 triệu người được tạo việc làm mới công bố trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao cũng là 1,6 triệu người, một đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ra nghi ngờ con số này. Bởi vì vấn đề thống kê chính xác việc làm mới đã được nêu ra tại Quốc hội nhiệm kỳ trước, song câu trả lời của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư khi đó là chưa thể tính cụ thể được bao nhiêu việc làm mới tạo ra trong một năm. Khi hệ thống thống kê không có được con số đó thì làm sao lý giải được quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là việc đầu tư ngân sách để tạo việc làm.

Ngay cả khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố con số người đăng ký thất nghiệp từ đầu năm là 305.790 người, giảm so với 335.900 người của năm 2011, thì Ủy ban Kinh tế cũng nhận định rằng, đây chỉ là một phần thực tiễn do một bộ phận người lao động “nhảy” việc để lợi dụng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong bản tin Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây cũng nhấn mạnh, vấn đề việc làm ở Việt Nam có dấu hiệu căng thẳng hơn trong khu vực Nhà nước cũng như phi chính thức. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước đạt 52,7 triệu người, nhưng số người đang có việc làm chỉ đạt 51,6 triệu người. Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước được bản tin của Ủy ban ước tính vào khoảng 2,29%.

Đáng lo ngại là xuất hiện dấu hiệu tiêu cực có nguy cơ dẫn đến áp lực căng thẳng trên thị trường lao động. Triển vọng đạt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị 4% vào cuối năm nay là rất khó khả thi. Dẫn ra những số liệu cụ thể này để chứng minh một thực tế là, trong các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô, các nhà hoạch định thường chỉ chăm chú nhắm vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát, CPI, thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu… mà chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo việc làm gần như xếp cuối hạng. Mở rộng ra lĩnh vực khoa học - giáo dục, trong một cuộc hội thảo mới đây, các giáo sư, tiến sĩ đã chỉ ra một thực trạng đáng buồn: Việt Nam không có nổi một trường đại học được xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của một nước gần 90 triệu dân chỉ bằng số lượng của một trường đại học Thái Lan.

Điều đáng suy nghĩ sâu sắc hơn là, hiện nay Việt Nam có số giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng lại ít chất xám nhất. Nước ta chưa thống kê được bao nhiêu phần trăm đề tài khoa học được ứng dụng trong cuộc sống. Thừa bằng cấp, thiếu chất xám; thừa thầy thiếu thợ, mà thầy chưa ra thầy, thợ cũng chưa ra thợ, thật đáng lo sợ.