Thủ tướng tìm hiểu về mô hình quản lý, phát triển cảng lớn nhất châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong chương trình chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, sáng 13-12 (giờ địa phương), tại thành phố La Haye, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc, tìm hiểu về mô hình quản lý, phát triển cảng Rotterdam, Hà Lan.

Đại diện Công ty quản lý cảng Rotterdam cho biết, cảng Rotterdam được xem là cửa ngõ của châu Âu, với các bãi chứa container có diện tích hơn 485.622m2. Từ cảng Rotterdam, có 42 chuyến tàu vận tải tuyến xa/tuần. Cảng có 100 dịch vụ vận chuyển trực tiếp cho 200 cảng trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam). Sản lượng khai thác của cảng Rotterdam đạt 14.349.446 TEU vào năm 2020.

Rotterdam là cảng biển nhộn nhịp nhất châu Âu và đây là cảng biển lớn thứ 10 trên thế giới. Cảng Rotterdam tạo việc làm cho 500.000 người và đóng góp 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hà Lan. Cảng Rotterdam được quản lý bởi công ty công, nhưng nhưng có sự tham gia của các công ty tư nhân vừa để phát triển hạ tầng, vừa quản trị các hạng mục khác nhau. Cảng áp dụng cơ chế “Landlord port” - sự phối kết hợp giữa hoạt động cảng và khu vực đất hậu cần phía sau cảng để cho tư nhân khai thác tạo ra công ăn việc làm và nâng cao năng lực hoạt động của cảng. Ưu điểm của mô hình quản lý này là công ty công chia sẻ được gánh nặng tài chính đầu tư, quản lý với các công ty tư. Sự kết hợp khéo léo của mô hình công tư đã mang lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, tìm hiểu về cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu, được xem là cửa ngõ của châu Âu và là một trong những cảng bận rộn nhất thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc, tìm hiểu về cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu, được xem là cửa ngõ của châu Âu và là một trong những cảng bận rộn nhất thế giới

Khu vực cảng cũng là một trung tâm công nghiệp lớn với các nhà máy lọc dầu, hóa chất, khí đốt… Tính chung, khu vực cảng tạo việc làm cho khoảng nửa triệu người và đóng góp khoảng 8% GDP của Hà Lan. Cảng Rotterdam cũng đang thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số để sử dụng trong vận hành cảng và cả trong vận tải biển.

Nhìn rộng hơn, hệ thống giao thông phát triển là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển và logistics. Trong đó, với hệ thống giao thông hiện đại kết nối đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận tiện đến các thành phố châu Âu khác, Rotterdam đã thành công khi phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như năng lượng, hậu cần, công nghệ cao, hóa chất, khoa học đời sống và y tế, nông sản…

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Việt Nam có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 700 tỷ USD vào năm 2022; nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế với trên 60% lượng hàng hóa của thế giới qua khu vực; với tiềm năng đó, Việt Nam có thể xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế không và Công ty quản lý cảng Rotterdam có thể hợp tác để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế không, đại diện cảng Rotterdam cho rằng Việt Nam có tiềm năng và có thể xây dựng cảng trung chuyển thế giới. Công ty quản lý cảng Rotterdam sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để phát triển cảng biển ở Việt Nam song cần phối hợp, nghiên cứu, xem xét phương thức, quy mô hợp tác.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hà Lan là quốc gia phát triển vận tải biển, cảng biển lâu đời, trong khi đây còn là lĩnh vực tương đối mới của Việt Nam; mong muốn Hà Lan nói chung và Công ty quản lý cảng Rotterdam hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, với phương châm hai bên cùng có lợi. Thủ tướng đề nghị Công ty quản lý cảng Rotterdam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tiếp tục nghiên cứu tiềm năng cả về vị trí địa lý, lượng hàng hóa... của Việt Nam và khu vực; với tham vọng xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển trong khu vực.

Thủ tướng cho rằng, đây chỉ là buổi khởi đầu cho triển vọng hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển; Chính phủ Việt Nam sẽ giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp, nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị để hợp tác, phát triển. Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan; sau hoạt động này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Vương quốc Bỉ, dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Bỉ.