- Đại biểu Quốc hội: Giải pháp nào bảo đảm ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn?
- Đại biểu Quốc hội: Có vụ việc thanh tra kết luận không sai phạm, nhưng sau đó lại bị xử lý hình sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội |
Chiều 5-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giải trình, làm rõ hơn các nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và trả lời chất vấn ĐBQH.
Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho biết, chúng ta vẫn kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng đó, phải bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững, đúng pháp luật” – Thủ tướng nói.
Về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng cho biết, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu.
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Quang cảnh phiên họp |
Thời gian tới, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Cùng đó, sẽ rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ.
Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chủ động giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Hai nhà máy lọc dầu trong nước đang vận hành ở mức công suất tối đa, đáp ứng 70-80% nhu cầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương, nhất là các thành phố lớn.
"Các quy định chúng ta thiết lập trong tình hình bình thường, tới khi tình hình thị trường có bất thường, phản ứng chính sách đã chưa kịp thời. Đáng lý khi tình hình không bình thường phải có biện pháp khác thường, nhưng vẫn dùng biện pháp bình thường. Cái này Chính phủ nghiệm túc rút kinh nghiệm" - Thủ tướng nói.
Để khắc phục, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi quy định để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong quản lý kinh doanh xăng dầu; chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và nghiên cứu nâng tổng mức dự trữ quốc gia, tăng năng lực sản xuất trong nước.