Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với đại biểu Đại hội Công đoàn Việt Nam

ANTD.VN - Chiều nay (24-9), trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động và các đại biểu dự Đại hội với chủ đề "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với đại biểu đại hội Công đoàn Việt Nam

Mang lại lợi ích thiết thực

Mở đầu buổi thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi được Đại hội dành trọn một buổi chiều trong chương trình làm việc để các thành viên Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với các đại biểu về một chủ đề lớn, quan trọng, đó là: “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động với các nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, khẳng định sự đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước khi chương trình thảo luận bắt đầu, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đi thẳng vào chủ đề, nêu rõ các giải pháp, gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

"Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến của đại biểu, có nhận xét gì về sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua; đồng thời có hiến kế gì để công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.

Bày tỏ sự cầu thị lắng nghe ý kiến trí tuệ, nhiệt huyết các đại biểu, Thủ tướng khẳng định, “sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà các đồng chí đặt ra”, với mục tiêu là thông qua buổi thảo luận này giúp thống nhất nhận thức, khẳng định quyết tâm, sớm biến thành hành động cụ thể, tạo bước chuyển mới và mạnh mẽ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng đã nêu một số câu hỏi và vấn đề để đại hội cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận: "Nhìn nhận của các đồng chí về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới? Đánh giá của các đồng chí về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động, xét từ giác độ người lao động? Công đoàn đã phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như thế nào trong thời gian qua? Ngay sau Đại hội XII, Công đoàn Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước...". 

Bàn về vấn đề tăng năng suất lao động trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 Trần Quý Dân cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác đào tạo hiện nay còn theo thói quen, nặng về lý thuyết nên khi người lao động ra trường làm việc tay nghề yếu, hầu hết phải đào tạo lại. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa tham gia chuỗi xu hướng toàn cầu, chưa tận dụng được khoa học công nghệ.

Để giải quyết bài toán năng suất lao động, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 cho rằng, doanh nghiệp và người lao động phải gắn kết chặt chẽ. Doanh nghiệp phải tạo điều kiện để người lao động tự tin thích ứng với công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sòng phẳng với người lao động trong việc tăng năng suất, cụ thể là hài hòa lợi ích khi năng suất lao động tăng cao. Chỉ có vậy, người lao động mới cống hiến hết mình.

Tại cuộc đối thoại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi còn đưa ra một số đề xuất về vấn đề nhà ở cho công nhân. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 50.000 ngôi nhà công nhân nhưng đến nay mới đạt hơn 10%. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục đề nghị Quốc hội có gói hỗ trợ như trước đây, để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Ngoài những nội dung về lao động, tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã đối thoại, trả lời các câu hỏi của đại biểu về an toàn, an ninh mạng, đưa ra các giải pháp ngăn chặn những thông tin sai sự thật... để công nhân, viên chức, người lao động yên tâm làm việc.