Thủ tướng đối thoại với công nhân: Nóng vấn đề tiền lương, nhà ở

ANTD.VN - Sáng nay (20-5), tại Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành đã có buổi đối thoại với khoảng 1.000 công nhân với chủ đề "năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn".

Sáng 20-5, Thủ tướng đối thoại với khoảng 1.000 công nhân lao động tại Hà Nam

Đây là năm thứ ba liên tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân đúng vào dịp Tháng Công nhân. Mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi muốn lắng nghe trực tiếp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của công nhân một cách thẳng thắn, cởi mở." Đây là dịp tốt để trao đổi, đối thoại cùng nhau giải quyết, xây dựng thành công thiết chế văn hóa công đoàn, đặc biệt là khu công nghiệp có đông công nhân. 

Xây nhà giá rẻ cho công nhân

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành công của đất nước không thể không có vai trò của công nhân vì thế “chúng ta củng cố, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam mạnh về số lượng, tốt về chất lượng”, có cuộc sống tốt hơn.

"Nhà ở, trường học cho con em công nhân" là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. Chị Phạm Thị Khuyên đang làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam - chi nhánh Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, mức lương hiện nay của chị khoảng 5 triệu đồng/tháng và đang gặp khó khăn về nhà ở. Do khả năng của các dự án nhà ở xã hội và nhà trông giữ trẻ của khu công nghiệp có hạn nên nhiều công nhân phải thuê nhà trọ ở bên ngoài để làm việc, đồng thời phải gửi con cái ở các cơ sở tư nhân. Vì vậy mà chi phí tăng cao, không đảm bảo mức sống. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai (2016) và Đà Nẵng (2017), Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả đó thì chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động cũng như yêu cầu của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay Hà Nội đã có một số khu nhà ở xã hội cho công nhân ở huyện Đông Anh nhưng vẫn không đủ nhu cầu.

Vì vậy sắp tới, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các dự án mới tại KCN Bắc Thăng Long, Quang Minh để có nhà ở cho các gia đình công nhân. Giá bán khoảng 200-400 triệu đồng, diện tích tối thiểu là 35m2. 

Thủ tướng vui mừng khi nghe cam kết của Chủ tịch TP Hà Nội. Với những địa phương bước đầu chưa thể xây dựng đủ các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì vẫn phải duy trì mô hình xây nhà trọ cho công nhân song phải đảm bảo giá hợp lý cho công nhân.

Dù vậy, Thủ tướng yêu cầu phải tìm mọi cách xã hội hoá xây dựng nhà ở cho công nhân, ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây nhà ở. Đặc biệt phải tập trung xây nhà trẻ cho con em công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, mà các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Không để doanh nghiệp ép lương người lao động

Liên quan đến vấn đề tiền lương, công nhân Trần Thị Thanh - Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49 năm 2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương anh em công nhân. Kính mong Thủ tướng xem xét việc này, vì đại đa số anh em công nhân đang hết sức quan tâm và không đồng tình với phương án sửa này?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung được Thủ tướng chỉ định trả lời đã khẳng định việc sửa đổi này của Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến người dân.

Cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Nghị định 49 theo hướng không can thiệp sâu vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp nhưng không có việc Nhà nước không có trách nhiệm với người lao động, Nhà nước vẫn sẽ có các quy định về mức sàn thấp nhất đảm bảo mức sống tốt hơn cho người lao động để các doanh nghiệp thực hiện. Điều quan trọng là khi đàm phán về tiền lương, người lao động vẫn có quyền thoả thuận với chủ doanh nghiệp để đưa ra mức lương hợp lý.

Sau câu trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động.