Thủ tướng: Chuyển đổi số ngành ngân hàng có tiến bộ vượt trội, không thua kém các nước trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 đã diễn ra sáng nay, 8/5 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số đã vượt mục tiêu năm 2025

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng

Những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số.

Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Bên cạnh đó, các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Những ứng dụng công nghệ của các ngân hàng không thua kém thế giới

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, với chủ đề Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn cho Ngày chuyển đổi số ngân hàng 2024 về “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” đã phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ và chủ đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện

Qua những trải nghiệm trực tiếp tại các gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, các giải pháp ứng dụng công nghệ mới của các ngân hàng, Thủ tướng đánh giá chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý tài chính, minh bạch dòng tiền và qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Những sản phẩm dịch vụ này gắn chặt chẽ với đời sống hàng ngày của người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh QR…;

Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp;… kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với xuất hóa đơn điện tử…

“Những trải nghiệm này đã cho tôi thấy rõ sự tiến bộ vượt trội so với những sản phẩm, dịch vụ mà tôi đã trải nghiệm 2 năm trước” – Thủ tướng nói và đánh giá những giải pháp, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều được ứng dụng, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ mới và không thua kém so với các nước trên thế giới…

Thủ tướng đánh cũng giá cao và cho rằng ngành Ngân hàng đã ghi dấu ấn là ngành đi đầu, tích cực trong việc ứng dụng, triển khai Đề án 06/QĐ-TTg về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức về công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ…

“Do đó, tôi đề nghị ngành Ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Với những vấn đề đặt ra đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán; ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động chuyển đổi số; đảm bảo an ninh, an toàn…

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06/QĐ-TTg về ứng dụng dữ liệu dân cư, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp…

Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn: Thủ tướng yêu cầu tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.