Thu thuế thương mại điện tử, làm sao phải “nhất cử lưỡng tiện” cho đôi bên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại hội thảo “Phát triển nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 31/10, các chuyên gia đều ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ cũng như cơ quan thuế trong việc ban hành Nghị định 91 ngày 30/10 vừa qua về thuế trong thương mại điện tử.

Thương mại điện tử Việt 'chết yểu'

Theo CIEM, trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc. Người dân từ chỗ không quen với mô hình mua sắm trực tuyến thì nay đã trở nên quen thuộc và coi đó như một xu hướng tất yếu hiện nay.

Năm 2022, kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để TMĐT phát triển bền vững, vấn đề hoàn thiện chính sách vẫn cần được quan tâm.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua.

Cụ thể, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Mặc dù, tăng trưởng khá tích cực, nhưng ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam rất khốc liệt.

Thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo có tốc độ phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới

Thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo có tốc độ phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới

Nhiều tên tuổi TMĐT lớn đã “mất tích” trong vòng 10 năm sau khi ra đời. Như trong giai đoạn 2001-2010, những tên tuổi lớn xuất hiện rồi biến mất như: VDC Siêu thị, Chợ điện tử, GoPhatdat, VnEmart…; giai đoạn 2011-2020: 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi… cũng “mất tích”.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo còn có 2 sàn TMĐT nữa của Việt Nam có thể “chết yểu”. Các sàn TMĐT thuần Việt phải cạnh tranh với Facebook, Viber, Zalo, Tiktok… từ nước ngoài với tiềm lực to lớn, trong khi tại Việt Nam lại chưa có chính sách nào hỗ trợ TMĐT. “Tôi đã suy nghĩ cả đêm hôm trước ngày hội thảo, Việt Nam đã có cơ chế, chính sách gì hỗ trợ TMĐT chưa nhỉ, nghĩ mãi, tìm mãi thì mới thấy, hóa ra là chưa có gì”- ông Nguyễn Thanh Hưng bày tỏ.

Sớm có hướng dẫn về thu thuế TMĐT

Đặc biệt, với quy định các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho doanh nghiệp bán hàng online, VECOM băn khoăn chi phí để cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước rất lớn mà không biết các cơ quan quản lý cần các thông tin này và dùng như thế nào? “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp là đúng nhưng cung cấp thế nào? Nhà nước cũng cần thu đủ thôi, không thu quá vì nếu không sẽ bội thực thông tin”, ông Nguyễn Thanh Hưng nói.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho rằng, trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất đối với TMĐT tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật. Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực TMĐT mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi vào thực tế cũng không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường TMĐT phát triển, ngày 30/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho TMĐT phát triển. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử để kích thích TMĐT phát triển, muốn làm được như vậy, cần giảm chỉ số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán, bởi hiện chỉ số này tại Việt Nam hiện vẫn chiếm tới 11%.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho rằng, trong hoạt động thuế thì quan trọng nhất là chứng từ, đơn hàng mà các sàn TMĐT đã bán. Hiện, chúng ta đang thiếu cơ chế để xác nhận chứng từ điện tử để để khớp giữa đầu vào đầu ra. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp kê khai thuế gặp khó khăn trong việc chứng minh.

“Nghị định 91 của Chính phủ vừa ban hành cho thấy, cơ quan thuế đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các bên, đã đưa ra nhịp, đầu tiên là các sàn TMĐT hỗ trợ cung cấp thông tin. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế về công nghệ và chính sách để tiếp cận thuế cho TMĐT”- ông Lê Đức Anh cho hay.

Hiệp hội bày tỏ sự hoan nghênh với Chính phủ đã cầu thị, tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng Nghị định 91. Đồng thời, các bên cũng mong đợi nhiều giải pháp mang tính hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, làm động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.