Nga:

Thử thách cho tiến trình cải cách

ANTĐ - Trong nội các của Thủ tướng Dmitry Medvedev có 7 nhân vật giữ vị trí Phó Thủ tướng hoặc tương đương - một con số ấn tượng so với 2 Phó Thủ tướng của Chính phủ tiền nhiệm. Các gương mặt trong nội các mới được cho là sẽ giúp Tổng thống Putin tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của kinh tế Nga. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế Nga vẫn tăng trưởng 4,9% trong quý I năm nay nhưng các chuyên gia cho rằng “lời nguyền dầu mỏ” sẽ tác động xấu đến nền kinh tế trong tương lai không xa. 
Người dân Nga hy vọng Tổng thống Putin sẽ đem lại sự ổn định, thịnh vượng cho nước Nga
(Ảnh Internet)

Trong khi đó, những người thân tín của ông Putin là Anton Siluanov đã trở thành tân Bộ trưởng Tài chính, ông Andrei Belousov là Bộ trưởng Kinh tế - một dấu hiệu mà báo chí Nga cho rằng Tổng thống muốn nắm quyền kiểm soát nền kinh tế, vốn thuộc về quyền quyết định của Thủ tướng theo truyền thống. Đặc biệt, chiến lược gia về năng lượng Igor Sechin, một trong những đồng minh tin cậy nhất của Tổng thống Putin tuy không có mặt trong nội các mới nhưng lại đóng một vai trò lớn hơn trong lĩnh vực dầu khí khi được đề cử vào Hội đồng quản trị của Tập đoàn khí đốt nhà nước lớn nhất của Nga. 

Mặc dù, đều là những người thân tín với Tổng thống và Thủ tướng nhưng giữa các nhân vật chủ chốt trong chính quyền mới tồn tại không ít bất đồng khi cựu tỷ phú Mikhail Abyzov-đồng tác giả của kế hoạch cải cách nhằm phá vỡ thế độc quyền kinh tế của Nhà nước trong năm 2007 được ông Medvedev bổ nhiệm vào vị trí có tính quyết định với ngành năng lượng. Ngoài ra, đụng độ giữa ông Sechin (công thần của Tổng thống) và Dvorkovich (đồng minh thân cận của Thủ tướng) trong việc Điện Kremlin nên kiểm soát ngân hàng và các ngành công nghiệp chủ chốt hay bán cho các nhà đầu tư tư nhân để kích thích tăng trưởng, cho thấy có thể sóng gió sẽ xảy ra trên chính trường Nga.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định đây là tín hiệu cho thấy Tổng thống Putin đã sẵn sàng cho một sự thay đổi, một tiến trình cải cách mới, mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược tại Mátxcơva (TsSR), sự đối lập ngày càng gia tăng giữa Chính phủ và phe đối lập có thể sẽ đưa nước Nga đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện, dẫn đến sự chuyển đổi triệt để hệ thống cầm quyền. Các cuộc đối thoại giữa phe đối lập và những người ủng hộ hiện đại hóa trong chính quyền là điều duy nhất có thể ngăn cản sự sụp đổ của hệ thống chính trị Nga. Các nhà phân tích cũng không loại trừ khả năng quốc hội đương nhiệm có thể sẽ phải tái bầu cử trong 3 năm tới - tức là trước thời hạn 2 năm. 

Trong bối cảnh chính trị này, ngày hôm qua 26-5, Đại hội Đảng Nước Nga Thống nhất (UR) họp phiên toàn thể với sự tham gia của 670 đại biểu đại diện cho các tổ chức cơ sở, gần 1.500 khách mời và gần 50 đoàn đại biểu quốc tế. Đề tài chủ yếu được đưa ra thảo luận tại Đại hội lần thứ 13 của UR là hiện đại hóa và cải cách trong đảng để phát triển UR thành một chính đảng hiện đại có khả năng hoàn thành trọng trách của một đảng cầm quyền lâu dài tại Nga… 

Tại Đại hội, Tổng thống Vladimir Putin  từ chức Chủ tịch UR mà ông đảm nhiệm từ năm 2008 đến nay và thay thế ông sẽ là Thủ tướng Medvedev, người vừa gia nhập UR ngày 22-5-2012.