Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy: Nơi rục rịch, chỗ im ắng

ANTĐ - Phí sử dụng đường bộ đối với các loại ô tô đã được các Trung tâm và Chi nhánh đăng kiểm trên cả nước thu từ 1-1-2013, tuy nhiên, cũng nằm trong đối tượng phải  đóng phí, nhưng mô tô, xe gắn máy đến nay tại các địa phương vẫn “án binh bất động”.

Chưa địa phương nào tổ chức thu phí sử dụng đường đối với xe máy. Ảnh minh họa

Chuẩn bị thu

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trung bình mỗi ngày, phí sử dụng đường bộ thu được từ ô tô trên cả nước khoảng 14-15 tỷ đồng. Cũng nằm trong đối tượng phải đóng phí sử dụng đường bộ kể từ 1-1-2013 nhưng các loại xe mô tô, gắn máy đến nay vẫn chưa phải đóng. Nguyên nhân do việc thu phí này được Bộ Tài chính giao về cho các địa phương, mà cụ thể là các tổ dân phố (thôn). Ngoài ra, mức thu phải được HĐND các tỉnh, thành thông qua. Theo Cục Đăng kiểm, cả nước có khoảng 37 triệu xe gắn máy. Nếu tổ chức thu phí sử dụng đường bộ, thì mức thu hàng năm sẽ vào khoảng 2.400 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho việc thu phí đối với xe máy, Bộ Tài chính đã có văn bản đốc thúc các địa phương triển khai. Song, đến nay, việc này đang được thực hiện không đồng đều ở các tỉnh, thành. Một số nơi thì rục rịch tiến hành, nhưng nhiều nơi vẫn “im ắng”.

Ông Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở GTVT Nam Định cho biết, Sở này vừa hoàn thiện phương án tổ chức thu phí và trình UBND tỉnh xem xét, thông qua. Bởi vậy, tại thời điểm này chưa thể thực hiện thu phí được, vì mức thu và tổ chức thu đang chờ phê duyệt. Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Ngọc Hòa, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, tỉnh mới đang rục rịch thành lập Hội đồng quỹ, sau đó mới tiến hành tiếp các thủ tục khác được. “Mức thu cụ thể ra sao đối với xe máy phải chờ kỳ họp thứ nhất năm 2013 của HĐND tỉnh thông qua”, ông Hòa cho biết. Song, trước mắt, khi HĐND tỉnh chưa thông qua mức cụ thể, mức thu đối với xe máy sẽ là 50.000 đồng/năm, mức thấp nhất theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài Chính, nhưng cũng phải hết tháng 1, hoặc sang tháng 2 mới có thể triển khai được.

Thiếu đồng bộ

Tại tỉnh Hòa Bình, Giám đốc Sở GTVT Ngô Ngọc Đức cho biết, tỉnh chưa có chỉ đạo, triển khai gì về việc này. “Chỉ đạo của Bộ Tài chính quá gấp gáp, lại vào dịp cuối năm nên không đưa ra bàn bạc tại kỳ họp HĐND tỉnh đợt vừa qua được. Trong khi, muốn thu thì cũng phải chờ mức cụ thể, phải được HĐND bàn bạc, thông qua. Do đó, chắc phải qua kỳ họp HĐND đợt tới mới triển khai được”, ông Đức nói.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, dù đã được UBND tỉnh thông qua với mức thu tạm thời là 50.000 đồng/xe máy/năm, nhưng ông Phùng Gia Thuận, Giám đốc Sở GTVT nhận định, việc triển khai thu phí đối với xe máy là không đơn giản. “Chúng tôi cũng mới bắt tay vào làm, chưa biết thực hư ra sao. Nhưng, sẽ rất khó khăn vì việc thu phí được giao về cho các xã, phường, người đi thu sẽ là tổ trưởng tổ dân phố hoặc thôn, trong khi, chưa có chế tài gì”. 

Còn trên địa bàn TP Hà Nội, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy cũng chưa được triển khai. Hiện, UBND TP mới giao cho Sở GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu để xây dựng phương án cụ thể, báo cáo UBND TP để trình HĐND. Đại diện UBND TP cho biết, để triển khai được nội dung thu phí, HĐND sẽ tổ chức một kỳ họp chuyên đề, ghép thêm với một số nội dung khác, tổ chức vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Thu phí là vấn đề lớn, liên quan đến rất nhiều người dân, dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu triển khai vội vàng sẽ không hiệu quả, nên cần được đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại kỳ họp của HĐND. 

Như vậy đến nay, dù Thông tư của Bộ Tài chính đã có hiệu lực, song việc thu phí đối với xe máy lại được các địa phương triển khai không đồng bộ. Tới đây, nơi thu phí trước, nơi thu phí sau liệu có tạo ra sự bức xúc, đồng tình trong dư luận?

Dựa vào tinh thần tự giác 
- Với hơn 37 triệu xe máy đang có, ông có lo ngại việc thu phí sử dụng đường bộ đối với loại phương tiện này sẽ bị thất thu? 

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Thông tư 197 của Bộ Tài chính triển khai NĐ về Quỹ bảo trì đường bộ đã nêu rõ, đối với xe máy giao cho UBND các phường, xã trực tiếp thu. Toàn bộ nguồn thu này sẽ để lại cho địa phương sử dụng duy tu, bảo dưỡng đường bộ của địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai có thể chậm do phải đợi mức thu cụ thể từ HĐND các tỉnh, thành. Song, thời điểm thu vẫn tính từ ngày 1-1-2013. 

- Nhưng lượng xe máy trên một địa bàn không cố định, khó kiểm soát chính xác số xe của từng hộ dân?

- Phải dựa vào tinh thần tự giác của người dân đồng thời có sự kiểm soát của Nhà nước. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có cách kiểm soát toàn bộ số xe máy, sẽ phối hợp thông qua các hệ thống đăng ký để nắm được xe đó của chủ xe nào, đã đóng phí chưa, nhưng cơ bản vẫn dựa trên tinh thần tự khai và tự giác của người dân. 

- Theo tính toán sẽ thất thu khoảng bao nhiêu phần trăm đối với xe máy?

- Chúng tôi đánh giá, khả năng trong 2013, chúng ta chỉ thu được khoảng 50-70% đối với xe máy.

- Như vậy sẽ không đảm bảo công bằng đối với tất cả người sử dụng xe máy? 

- Đối với bất kỳ xe máy nào nếu chưa đóng phí sử dụng đường bộ thì  vẫn bị truy thu từ 1-1-2013 sau khi phát hiện chưa nộp phí.

- Nhưng có chế tài nào bắt buộc người đi xe máy phải đóng phí?

- Chúng tôi sẽ từng bước nghiên cứu để đưa ra chế tài, trước mắt vẫn để người dân tự giác. Cùng với đó có sự kiểm soát lẫn nhau đối với các hộ dân. Thời gian đầu có thể lúng túng, nhưng chắc rằng vài ba tháng nữa, phí thu qua xe máy sẽ được thực hiện tốt đẹp và ý thức tự giác của người dân sẽ được nâng lên.

- Vậy có tính đến việc xử phạt trong năm nay? 

- Bất cứ quy định nào đã ban hành ra và có hiệu lực nếu không chấp hành thì sẽ xử phạt. 

- Chính quyền phường, xã dường như không mặn mà lắm đối với việc thu phí này. Nhiều nơi cho rằng, Bộ đẩy phần khó về địa phương?

- Hiểu như vậy là không đúng, vì Thông tư 197 đã nêu rất rõ, thu phí đối với xe máy là để lại cho địa phương thì địa phương phải trực tiếp thu. Khi chúng tôi nghiên cứu vấn đề này đã tính đến quyền lợi cho các tổ chức thu. UBND cấp phường được để lại 10%, cấp xã là 20%. Đây là điều động viên, khuyến khích để tổ chức, cá nhân đó thực hiện tốt việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. 

- Nhiều người dân ở các khu vực hạ tầng giao thông kém phát triển, đường sá hư hỏng nhiều nhưng lại chậm được sửa chữa có tư tưởng không muốn đóng phí?

- Ai cũng phải đi trên nhiều con đường. Đóng phí sử dụng đường bộ không những cho bản thân mình sử dụng mà còn góp phần phát triển đất nước. Cho nên, sẽ không có một giải pháp nào là công bằng cho tất cả người dân. Ngoài quyền lợi thì người dân cũng đồng thời phải có trách nhiệm đóng quỹ.

- Vậy ngành giao thông có hứa hẹn về một lộ trình nâng cấp hạ tầng, đường sá đó tốt hơn?

- Để phát triển hạ tầng giao thông Chính phủ đưa ra rất nhiều chương trình. Ví như chương trình 30a ở các huyện nghèo hay ưu tiên phát triển các vùng kinh tế ở những khu vực khó khăn. Vì vậy, việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng là một mục tiêu trước mắt và lâu dài. Còn Quỹ bảo trì đường bộ chỉ thực hiện bảo trì, sửa chữa khi đã có đường sá rồi để đảm bảo đi lại êm thuận, tốt hơn.