Thu ngân sách lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, Hà Nội đạt hơn nửa triệu tỷ

ANTD.VN - Chiều ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN ngay từ đầu năm; rà soát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện.

Nhờ đó, thu NSNN cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên thu NSNN vượt 2 triệu tỷ đồng.

Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán. Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.

Bộ Tài chính tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước

Về chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.

Trong năm, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng.

Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Đã thực hiện phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của NSTW và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP...

Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Cả 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Về nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025, Quốc hội đã thông qua dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; trong đó: thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%.

Dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%.

Bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2024 Thành phố đã vượt qua những khó khăn, hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2024: Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 6,52% với xu hướng cải thiện qua từng quý; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, tăng 4,37% so với bình quân năm 2023; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 2,06 tỷ USD, tăng 78,6% so với năm trước; Huy động vốn tăng 7% và tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng 19% so với năm trước...

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 31/12/2024 là 501,6 nghìn tỷ đồng – đây cũng là lần đầu tiên thu ngân sách Thành phố vượt ngưỡng nửa triệu tỷ đồng.

Chi ngân sách địa phương cả năm ước thực hiện là 127 nghìn tỷ đồng, đạt 91,1% dự toán.