Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi):

Thông thoáng, nhưng không được dễ dãi

ANTĐ - Ngày 28-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều đại biểu đồng tình với việc dự thảo luật đưa vào quy định, chỉ những doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì mới ghi ngành nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Đây là một thay đổi cơ bản của dự thảo luật doanh nghiệp sửa đổi, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh. ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng, nếu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp không được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì có thể khiến doanh nghiệp nhầm tưởng được kinh doanh mọi lĩnh vực mà không cần điều kiện gì. Ngoài ra, đối tác, bạn hàng sẽ không có dữ liệu, thông tin của doanh nghiệp, không biết doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực gì... Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Minh Quang kiến nghị, nên quy định bắt buộc đưa thông tin doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp lên website của Bộ KH-ĐT, để khi muốn tìm hiểu, bên thứ 3 có thể lên website này để lấy thông tin về doanh nghiệp.

 ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị, Luật doanh nghiệp cần hướng đến khoa học công nghệ, đồng thời kết nối với Luật hành chính công để giúp các doanh nghiệp tiếp cận với môi trường kinh doanh một cách tiện ích và tiết kiệm thời gian hơn. Tán thành chủ trương cần tháo gỡ tất cả rào cản, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, một số ĐBQH đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ danh mục cấm và danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đưa ra Quốc hội quyết định. Ngoài danh mục đó thì các doanh nghiệp có quyền kinh doanh.

Liên quan tới việc thành lập doanh nghiệp, dự thảo quy định, hồ sơ đăng ký gồm giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp cá thể. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với quy định này bởi “thể hiện tinh thần thông thoáng trong cho phép người dân được kinh doanh”. 

Nhìn vấn đề ở góc khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chỉ cần chứng minh nhân dân để lập doanh nghiệp thì quá đơn giản. Do vậy, cần bổ sung thêm lý lịch tư pháp của người lập doanh nghiệp để chặt chẽ hơn trong hoạt động quản lý. ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị cần chặt chẽ trong việc cho phép thành lập doanh nghiệp: “Dễ dãi quá cũng không hẳn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).