Đánh giá cao sự thẳng thắn nhận khuyết điểm của Thống đốc nhưng ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tiếp tục chất vấn: “Từ khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước đã dẫn đến hậu quả rất lớn trong thị trường tín dụng, vậy đã kiểm điểm, làm rõ, xử lý trách nhiệm những người có liên quan hay chưa?”. Ông Nguyễn Văn Bình phân bua: “Nội bộ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã kiểm điểm rất sâu sắc về vấn đề này để kịp thời có những chủ trương, giải pháp cụ thể… Từ tháng 8 trở lại đây, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp được phát hiện… Ngoài ra, chúng tôi có nhiều biện pháp rất quyết liệt để chấn chỉnh lại hoạt động thanh tra, giám sát trong thời gian tới”.
Tiếp mạch lãi suất, ĐB Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) hỏi: “Thống đốc có biết tình trạng cò vay lãi suất ngân hàng hay không, đã xử lý được vụ nào chưa?”. Thừa nhận có cò lãi suất, Thống đốc nói: “Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng công an để có thể bắt được một số nhưng hoạt động này cũng hết sức tinh vi…”.
Về hoạt động kinh doanh vàng, Thống đốc cho biết, hiện có tới hơn 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng trên toàn quốc, chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, được quyền thả sức kinh doanh vàng miếng. Thống đốc cũng khẳng định chủ trương siết lại quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền về sản xuất, kinh doanh.
Ông cam kết, “bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về việc mua, bán vàng miếng, về việc gửi ở những địa chỉ an toàn và có khả năng sinh lãi đối với vàng miếng…”. Dẫu vậy, ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) chưa yên tâm: “Thống đốc có cam kết, sẽ không để xảy ra độc quyền, đầu cơ, găm hàng, trục lợi trên thị trường vàng hay không?”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình trấn an: “ĐB lo SJC (Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện chiếm 90% thị trường vàng miếng) có trở thành độc quyền không? Tôi trả lời là vàng SJC là Công ty của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Do vậy, chúng tôi đã bàn với UBND TP là hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng của SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Bằng việc này, Nhà nước thực hiện được hai mục tiêu. Một là Nhà nước độc quyền trong vấn đề sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Hai là sẽ tiết giảm được các chi phí vì hiện nay có tới hàng trăm tấn vàng đã được dập ra vàng SJC. Nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Để tiết giảm chi phí, chúng tôi sử dụng luôn nhãn hiệu SJC…”. Thống đốc tự tin tuyên bố: “Chúng ta phải hiểu rằng, từ giờ phút này trở đi, nhãn vàng SJC là nhãn vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi điều kiện cho phép chúng tôi sẽ đổi chữ SJC thành SBV để đồng bào cả nước yên tâm!”.