Thông điệp của quân đội Sudan trong cuộc đảo chính mới nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quân đội Sudan hôm 25-10 đã giải tán chính phủ chuyển tiếp và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong 2 năm gần đây. Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều tháng gia tăng căng thẳng khi các nhóm quân sự và dân sự bất đồng về quá trình chuyển đổi.
Đường phố Thủ đô Khartoum rơi vào cảnh náo loạn sau cuộc đảo chính hôm 25-10

Đường phố Thủ đô Khartoum rơi vào cảnh náo loạn sau cuộc đảo chính hôm 25-10

Sáng sớm 25-10, quân đội Sudan thông báo đảo chính, chống lại chính phủ chuyển tiếp của đất nước. Thủ tướng Abdalla Hamdok, đệ nhất phu nhân và các thành viên nội các đã bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Động thái mới nhất này chỉ là một phần hậu quả của cuộc khủng hoảng kéo dài mà Thủ tướng Hamdok trước đây mô tả là “cuộc khủng hoảng tồi tệ và nguy hiểm nhất” của Sudan kể từ khi nhà cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị loại bỏ vào năm 2019.

Nhà lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir cầm quyền ở Sudan suốt 30 năm cũng bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự. Sau khi ông Omar al-Bashir bị cách chức năm 2019, quân đội đã đồng ý tham gia vào một chính phủ chuyển tiếp bao gồm cả lực lượng dân sự. Chính phủ chuyển tiếp được cho là sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi các cuộc bầu cử dân chủ có thể được tổ chức vào năm 2023. Nhưng gần đây, ngày càng có nhiều sự chia rẽ trong cả phe dân sự và quân sự, cũng như sự cạnh tranh giữa họ ngày càng gia tăng.

Một tuần trước, Sudan đã chứng kiến một số cuộc biểu tình lớn nhất trong 2 năm qua, khi hàng nghìn người dân địa phương ở các thành phố trên khắp đất nước xuống đường. Đa số lên tiếng phản đối ý tưởng quân đội nắm quyền trở lại, nhưng có một bộ phận có quan điểm trái ngược, đó là muốn quân đội tiếp quản. “Tôi nghĩ quân đội đã chịu nhiều áp lực hơn họ tưởng khi những người biểu tình muốn thành lập chính quyền dân sự hoàn toàn. Lo lắng về việc bị đẩy ra ngoài và buộc phải đối mặt với công lý cho một số tội ác trong quá khứ của họ, quân đội đã hành động. Không nghi ngờ rằng, họ đã được một số quốc gia trong khu vực khuyến khích”, ông Theodore Murphy, Giám đốc chương trình châu Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, chia sẻ. Tuy nhiên, tình hình phức tạp hơn vì quân đội Sudan nằm trong chính phủ mà họ vừa lật đổ.

Dan Watson, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sussex ở Anh, cho rằng, chính trị Sudan vô cùng phức tạp. Ông Watson lưu ý, bất chấp việc thành lập chính phủ chuyển tiếp, quân đội Sudan, bao gồm nhiều đồng phạm cũ của chế độ độc tài al-Bashir, vẫn nắm giữ hầu hết quyền lực trên thực tế. Đó là lý do tại sao nhiều nhà phân tích tin rằng, âm mưu đảo chính thất bại hồi tháng 9 là có bàn tay của quân đội và nhằm thu hút thêm người ủng hộ.

Những gì quân đội Sudan có thể muốn làm là chuyển Thủ tướng kỹ trị Abdalla Hamdok vào một vị trí mà họ có thể giật dây, trong khi đó, ông Hamdok, là một nhà kinh tế được kính trọng và từng là người sống lưu vong. Thông điệp mà quân đội Sudan muốn truyền tải tới công chúng là: Đây không phải là một cuộc đảo chính mà là một sự điều chỉnh đối với quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ của Sudan. Ông Theodore Murphy là chuyên gia cho rằng, trọng tâm của họ là thay thế một số chính trị gia dân sự mà họ cho là đang gây nguy hiểm cho đất nước và thúc đẩy bất đồng chính kiến trong quân đội. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết một "chính phủ đại diện độc lập và công bằng" sẽ nắm quyền cho đến khi một chính phủ được bầu vào năm 2023.

Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã bày tỏ quan ngại về diễn biến mới nhất ở Sudan. Mỹ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc đều kêu gọi các bên liên quan quay trở lại quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price thông báo hôm 25-10 rằng, Mỹ sẽ tạm dừng hỗ trợ khẩn cấp 700 triệu USD cho Sudan sau khi quân đội tiếp quản.