Thói quen “xấu xí”

(ANTĐ) - Xích lô đã trở nên nổi tiếng, khiến cho mọi du khách khi đến với Hà Nội đều muốn được thử một lần, và họ cũng thường boa thêm cho bác tài nhiệt tình một khoản. “Tiền boa” thể hiện sự cám ơn và hài lòng của khách đi xe, thế nhưng qua thời gian, cử chỉ đẹp này đã bị bóp méo trở thành “thói quen đòi hỏi” xấu xí của nhiều bác tài.

Thói quen “xấu xí”

(ANTĐ) - Xích lô đã trở nên nổi tiếng, khiến cho mọi du khách khi đến với Hà Nội đều muốn được thử một lần, và họ cũng thường boa thêm cho bác tài nhiệt tình một khoản. “Tiền boa” thể hiện sự cám ơn và hài lòng của khách đi xe, thế nhưng qua thời gian, cử chỉ đẹp này đã bị bóp méo trở thành “thói quen đòi hỏi” xấu xí của nhiều bác tài.

 Để xích lô mãi là nét đẹp của Hà Nội

Câu chuyện “tiền boa”

Bên cạnh những công ty có tiếng hoạt động nghiêm túc với đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, vẫn còn tồn tại một số công ty không lấy sự hài lòng của khách hàng làm đầu mà thậm chí còn tạo cho lái xe thói quen ngang nhiên đòi “tiền boa” của khách, khi không được như ý thì tỏ thái độ, thiếu tôn trọng.

Anh Tùng, phụ trách mảng sự kiện của Công ty Goodwill, kể lại một kinh nghiệm nhớ đời với xích lô: “Hôm đó công ty tôi đã đặt trước 5 xe của một công ty chuyên cung cấp xích lô để đi khảo sát một chương trình tour mới cho du khách, lẽ ra phải được coi là “người nhà” thì đoàn khảo sát 5 người đã phải trải qua hết bức xúc này đến bực mình khác. Tất cả xoay quanh chuyện “tiền boa”.

Vừa đến địa điểm nhận xe ở Nhà hát Lớn, chúng tôi gặp một anh phụ trách ăn mặc lịch sự, câu đầu tiên anh này nói đã khiến cả đoàn vừa ngạc nhiên vừa thất vọng về thái độ thiếu chuyên nghiệp và vô cùng mất lịch sự “Khách Việt hả? Nhớ “boa”, nhớ “tip” đấy. Cứ boa đầy đủ là được”. Bước chân lên xe, ngồi chưa ấm chỗ thì “liên khúc nghèo” của bác tài được kéo lên, bác than thở “6 tháng rồi mà chưa được nhận một đồng lương nào, sống toàn nhờ vào “tiền boa” thôi. Nếu mà không có “tiền boa” thì vợ con chết đói mất”. Vừa đi hết một giờ đồng hồ đã nghe bác đánh tiếng: “Được 1 giờ đồng hồ rồi đấy, thế là được 50 nghìn đồng rồi đấy nhỉ”.

Đoàn phải khảo sát nhiều nơi nên đã lên kế hoạch trước là sẽ đi và dừng lại ở nhiều điểm. Vừa hết tiếng thứ 2, bác lái xe nhắc ngay “Đi nhiều, dừng nhiều thế này tí nữa boa nhiều lắm đây. Hai tiếng là được 100 nghìn đồng rồi”. Tiền công xe đã được thanh toán với công ty, nên khi xuống anh Tùng đưa 150 nghìn đồng “tiền boa” cho bác “trưởng đoàn” để chia cho mọi người, bác này cầm tiền huơ lên, giọng mỉa mai “Nhìn đây nhớ, 150 nghìn đồng 5 xe thôi đấy, rồi mà chia nhau!” khiến anh Tùng vừa bực mình vừa lo lắng vì không biết sắp tới đoàn khách nước ngoài sang thì làm thế nào, cho họ như mức họ đòi thì không được, mà không thì chỉ sợ họ sách nhiễu khách.

Nỗi buồn đọng lại...

Chị Nhung (quận Hoàn Kiếm) kể, một lần chị muốn cho con đi xích lô lên nhà bà nội chơi, nhà bà cách có 2km mà bác xích lô đòi 40 nghìn đồng, kêu là vì phải chở hai người. Đến khi xuống xe, mình đưa tờ 50 nghìn đồng thì bác không trả lại, bảo là “Tiền còn lại là boa luôn nhé, có 10 nghìn đồng bạc” rồi đạp xe đi ngay làm mình không kịp phản ứng gì, cảm giác như bị lừa vậy.

Ngọc Linh, một du học sinh bức xúc chia sẻ về một lần đưa cô bạn người TP Hồ Chí Minh đi chơi bằng xích lô. Cả chuyến đi bác lái xe hết kể khổ về gia cảnh, lại kể đến chuyện khách Tây cho “tiền boa” nhiều hơn cả tiền công xe. Bác ấy còn nói bóng gió: “Bác không bao giờ đòi tiền khách, chỉ có khách đi người ta tự thấy mình phục vụ tốt thì người ta cho thêm tùy tâm. Nhưng bác biết nhiều, lại nói chuyện với khách nên người ta thích lắm. Hôm trước bác chở một ông Việt Kiều ở miền Nam ra, đi cũng như các cháu thế này này mà lúc về ông ý boa cho hẳn 100 nghìn đồng” làm cô bạn mình ngại quá, lúc xuống xe phải đưa ngay 100 nghìn đồng “tiền tip”. Mình thì xấu hổ không biết nói gì”.

Hiện Hà Nội có 4 công ty được cấp phép điều hành, cung cấp xích lô với khoảng hơn 260 xe. Thiết nghĩ “tiền boa” là phần thưởng về mặt vật chất nhưng mang ý nghĩa lớn về tinh thần bởi nó thể hiện sự hài lòng của hành khách, các bác tài không nên lấy đó là đòi hỏi bắt buộc mà vòi vĩnh khách đi xe. Đặc biệt là các công ty quản lý cần phải đào tạo và quán triệt tinh thần cho đội ngũ nhân viên của mình phải luôn có thái độ làm việc chuyên nghiệp, tận tình, không được nhập nhằng giữa tiền công với “tiền boa”.

Tùng Yến