Thỏa thuận dầu khí cực lớn giữa Nga - Iran liệu có gây ra rắc rối cho Mỹ?

ANTD.VN - Thỏa thuận dầu khí Nga - Iran được nghị sĩ Iran xem là cú đòn mạnh giáng vào nỗ lực của Mỹ trong việc kiểm soát thị trường nhiên liệu. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản biện khác.

Nghị sĩ Iran Mahmoud Abbaszade Meshkini mới đây nhận định với Hãng thông tấn Hồi giáo (IRNA) rằng, Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề vì thỏa thuận dầu khí Nga - Iran.

Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vừa qua đã ký một thỏa thuận hợp tác cực lớn, trị giá 40 tỷ USD. Trong đó, hai bên dự định tham gia vào việc phát triển các mỏ khí đốt và dầu.

Ngoài ra, các bên còn có kế hoạch sẽ tiến hành trao đổi khí tự nhiên, công nghệ hóa dầu và các sản phẩm dầu khí, hoàn thành những dự án LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) và xây dựng đường ống dẫn khí xuất khẩu.

Ông Meshkini còn nói thêm rằng Moskva và Tehran là những nhà cung cấp năng lượng lớn, vì vậy sẽ không khó để họ đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn đã giáng một đòn đau vào nền kinh tế của các quốc gia châu Âu và Mỹ.

Nghị sĩ Meshkini cũng nhắc lại rằng, Liên bang Nga và Iran đang cùng hợp tác phát triển chiến lược từ bỏ đồng đô la Mỹ, điều này sẽ làm giảm thiệt hại do áp lực kinh tế từ phía Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây.

Ông Meshkini khẳng định, thỏa thuận lớn mới nhất giữa Gazprom và NIOC sẽ xóa bỏ hoàn toàn những nỗ lực trước đây của Washington, bởi vì nó sẽ tăng cường ảnh hưởng của hai nước trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ.

"Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào trong việc ký kết hợp đồng giữa Iran và Nga, vì mối quan hệ giữa hai nước được xác định trong khu vực chiến lược và cả bên đều muốn hợp tác", nghị sĩ người Iran nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia quốc tế, sẽ không có tác dụng gì khi Iran và Nga phối hợp nhằm khống chế thị trường dầu mỏ thế giới nếu cả hai bên đều vướng phải những biện pháp cấm vận nặng nề.

Mỹ chưa cho thấy họ sẽ dỡ bỏ một chút hạn chế nào đối với Iran liên quan đến việc xuất khẩu dầu và khí đốt. Tương tự như vậy, Nga cũng đang đối diện nguy cơ phải chịu lệnh cấm vận toàn cầu liên quan đến năng lượng.

Dự báo trong tương lai không xa, khi châu Âu hoàn thành các cảng tiếp nhận LNG từ Mỹ và đàm phán được với những nhà cung cấp mới, thậm chí sẽ có một lệnh cấm vận nặng nề áp đặt lên khách hàng mua dầu và khí đốt của Nga, tương tự cách Mỹ làm với Đạo luật CAATSA.

Khi dầu và khí đốt của Nga cũng như Iran không thể bán ra ngoài thì việc hai nước có liên kết với nhau thế nào đi nữa cũng sẽ vô tác dụng đối với thị trường thế giới.

Bởi vậy, thỏa thuận hợp tác giữa Moskva và Tehran thực chất có lẽ chỉ mang tính tượng trưng và không thể làm khó Mỹ như những gì nghị sĩ Meshkini tuyên bố.