'Thợ săn đêm' Mi-28NE của Nga thắng lớn ở Bangladesh

ANTD.VN - "Thợ săn đêm" Mi-28NE Nga đang được Bangladesh lên kế hoạch đặt mua với nguồn ngân sách lên tới nửa tỷ USD. Hiện các bên đang xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết hợp đồng chính thức đặt mua.

Bangladesh dự chi nửa tỷ USD để mua "Thợ săn đêm" Mi-28NE Nga để nâng cao sức mạnh tác chiến của quân đội nước này. Hiện các cuộc đàm phán đang được xúc tiến đẩy mạnh.

Giới chức quân đội Bangladesh tỏ ra ưa thích dòng trực thăng tấn công hạng nặng của Nga thay vì các sản phẩm của Trung Quốc và phương Tây.
Theo dữ liệu ban đầu được công bố cho biết, Bangladesh sẽ đặt mua lô đầu tiên gồm 8 máy bay trực thăng tấn công Mi-28NE Night Hunter với tổng trị giá 478 triệu USD.
Giới chức Bangladesh cho biết, họ quan tâm đến dòng trực thăng tấn công hạng nặng Mi-28NE do chúng đã thể hiện xuất sắc tại chiến trường Syria.
Những chiếc trực thăng Mi-28NE được trang bị tên lửa Hermes có khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên đất liền và trên biển ở phạm vi lớn.
Nếu thương vụ thành công thì Bangladesh trở thành quốc gia nước ngoài thứ ba sở hữu dòng trực thăng tấn công uy lực này sau Iraq và Kenya.
Mi-28 (NATO định danh: Havoc) là mẫu trực thăng tấn công chuyên biệt, được phát triển từ năm 1982, có nhiệm vụ và tính năng tương đương dòng AH-64 Apache của Mỹ.

Trong khi đó phiên bản Mi-28N nâng cấp ra mắt năm 2005, được Nga biên chế năm 2009, có khả năng hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

Mi-28N (biến thể xuất khẩu được đặt tên là Mi-28NE), được sản xuất tại nhà máy Rostvertol (một công ty con của Công ty Trực thăng Nga thuộc tập đoàn nhà nước Rostec).
Mi-28N được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, radar trên đỉnh trục cánh quạt, camera nhiệt và đo xa laser.
Vận tốc tối đa của "Thợ săn đêm" Mi-28N có thể đạt 324 km/h, tốc độ hành trình 265 km/h, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 11.500 kg và trần bay khoảng 5.700 m.
Bán kính hoạt động của loại máy bay này là 550 km. Mi-28N có thể hoạt động tốt trong đêm tối ở độ cao thấp, trong mọi điều kiện thời tiết.
Khả năng sống sót trong chiến đấu rất cao và vũ khí mạnh mẽ thường được coi là những ưu điểm chính của máy bay này.
Hệ thống vũ khí của trực thăng Mi-28N bao gồm 16 tên lửa chống tăng Ataka (AT-9 Spiral-2), 4 tên lửa không đối không Igla (SA-18 Grouse), một số rocket không điều khiển 80 mm và 122 mm.
Ngoài ra còn có pháo gắn ngoài 23 mm; pháo tự động Griasev-Shipunov 2A42 30 mm gắn trên mũi. Các vũ khí đã được tích hợp một hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi.
Khả năng tự vệ đến từ một hệ thống đặc biệt vô hiệu hóa tên lửa phòng không với đầu tầm nhiệt. Buồng lái, các hệ thống điều khiển chính và các thành phần cực kỳ quan trọng (như thùng nhiên liệu) đều có giáp bảo vệ.
Các cánh quạt chính của Mi-28NE được làm bằng vật liệu tổng hợp, và chuyến bay vẫn có thể hoàn thành ngay cả khi cánh quạt bị trúng đạn 30 mm.
Hai động cơ trục turbine Klimov VK-2500 cho phép Mi-28N thực hiện các chuyến bay và hạ cánh chỉ bằng một động cơ. Máy bay cũng có hệ thống tránh va chạm ở độ cao thấp.
Để đáp ứng xu hướng toàn cầu, các nhà phát triển đã trang bị cho Mi-28N các hệ thống hỗ trợ tương tác với các phương tiện bay không người lái và điều khiển từ xa. Hiện Nga đang tiếp tục cải tiến dòng trực thăng này.