Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tung đặc nhiệm vào lãnh thổ Iraq

ANTĐ - Ngày 8-9, lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai sang lãnh thổ miền bắc Iraq trong một chiến dịch ngắn hạn nhằm truy quét các tay súng nổi loạn người Kurd đã vượt biên sau khi giết hại 16 binh lính nước này.

Được biết, với sự yểm trợ của không quân, 2 nhóm gồm 230 lính đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã thâm nhập vào miền bắc Iraq để truy đuổi các phiến quân thuộc Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) nhằm đáp trả vụ tấn công ở gần biên giới Iraq khiến 16 binh lính nước này thiệt mạng hôm 6-9.

Đây là lần đầu tiên, lính bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai sang lãnh thổ Iraq trong 4 năm qua và kể từ khi lệnh ngừng bắn được ký kết năm 2013, được cho là đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài đã giết hại 40.000 người trong 3 thập kỷ qua.

Xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ bị PKK tấn công hôm 6-9

Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, chiến dịch truy quét lần này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và diễn ra cùng thời điểm khi hơn 50 máy bay chiến đấu F-4 và F-16 của không quân nước này được triển khai không kích nhằm vào ít nhất 20 vị trí của PKK tại các khu vực Qandil, Hakurk, Avashin, Basyan, Metina, Gare và Zap ở miền Bắc Iraq.

Chiến dịch không kích này, diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Ahmet Davutoglu cam kết sẽ “quét sạch” thành trì của phiến quân và không để cho các phiến quân tiếp tục hoành hành.

Trong tháng 7, sau một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 năm, Ankara đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại lực lượng PKK ở miền bắc Iraq và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi các tay súng người Kurd tiến hành vụ ám sát các sỹ quan cảnh sát tại thành phố Ceylanpınar của nước này.

Cuộc xung đột mới này đã hủy hoại tiến trình hòa bình mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cố công gầy dựng từ năm 2012 nhằm kết thúc tình trạng loạn lạc khiến hơn 40.000 người thiệt mạng trong suốt 3 thập kỷ qua.

PKK được thành lập vào cuối thập niên 1970 với mục đích giành quyền tự quyết cho cộng đồng người Kurd. Nhóm này bị Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và NATO coi là một tổ chức khủng bố.