Thí sinh nên tỉnh táo lựa chọn nguyện vọng 2

ANTĐ - Với gần nửa triệu thí sinh trên điểm sàn ĐH, CĐ cơ hội trúng tuyển sẽ không rải đều, đặc biệt với trường hợp bằng điểm sàn thì nên có định hướng rõ bởi sẽ không có nhiều lựa chọn.

ĐH ngoài công lập hay hệ CĐ

Nhiều thông tin giúp thí sinh có lựa chọn tốt hơn cho việc đăng ký nguyện vọng 2 sắp tới

Ngày 25-8, thí sinh chưa trúng tuyển NV1 trên cả nước sẽ bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo. Mặc dù năm nay, quy định mới của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được điều chỉnh NV2 với cơ hội được rút hồ sơ nộp lại vào nơi khác. Tuy nhiên, theo các cán bộ làm công tác tuyển sinh, khi đăng ký xét tuyển NV2 thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu từng ngành trước khi đăng ký với những lưu ý cụ thể.

Theo đó, những thí sinh có điểm chỉ bằng điểm sàn xét tuyển cần tránh những ngành “hot” thu hút nhiều thí sinh. Ví dụ, các chuyên gia cho biết có đến 33% thí sinh đăng ký dự thi vào nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng. Đây là tỷ lệ rất cao nên tính cạnh tranh cũng mạnh hơn khối ngành khác. Bởi vậy với mức điểm thi bằng điểm sàn, thí sinh đăng ký khối ngành này nên nộp đơn vào các trường ngoài công lập thì khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn.

Để tìm cơ hội, thí sinh nên chọn những ngành khó tuyển ở các trường hoặc đăng ký NV2 vào bậc CĐ để chắc chắn trúng tuyển. Đối với thí sinh có điểm dưới mức điểm sàn ĐH, có một lựa chọn khác là đăng ký xét tuyển bậc CĐ. Trong các năm trước các ngành này có điểm xét tuyển cao hơn điểm thông báo từ 1-2 điểm, nên với điểm của các thí sinh thì khả năng trúng tuyển sẽ cao. Sau khi tốt nghiệp CĐ, sinh viên có thể học liên thông ngay trong năm tốt nghiệp trực tiếp tại trường. Điểm đáng lưu ý với thí sinh khi đăng ký vào hệ CĐ là hầu hết các trường đại học có hệ cao đẳng đều xét tuyển hệ cao đẳng bằng điểm thi ĐH, không sử dụng điểm thi của trường CĐ. Vì vậy thí sinh dự thi cần lưu ý để không gửi nhầm điểm thi CĐ với ĐH vì sẽ bị mất cơ hội xét tuyển.

Rộng cửa các ngành liên kết đào tạo

Nếu như việc đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học trong nước phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan với lượng thí sinh đăng ký nhiều hay ít thì cơ hội này lại trở nên chắc chắn với những thí sinh muốn theo học các ngành đào tạo liên kết trong nước với quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý quốc tế, trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội cho biết, chương trình tư vấn tuyển sinh dành cho các em học sinh đạt điểm sàn trở lên trong kỳ thi ĐH năm nay vừa được đơn vị tổ chức đã thu hút khá nhiều phụ huynh, thí sinh tham gia.

Theo đó, với mức điểm sàn ĐH, thí sinh có thể tham gia tuyển sinh chương trình “Cử nhân liên kết 2+2 ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế” giữa trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và trường ĐH Benedictine, Hoa Kỳ với các ngành “hot” nhất như Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế quốc tế, Marketing v.v… Điều kiện  đầu vào là thí sinh có điểm sàn ĐH, trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 4.0. Tuy nhiên, chi phí cho khóa học này không rẻ với mức 630 triệu đồng (tương đương 30,950 USD) cho 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm tại Mỹ. Mặc dù vậy, bà Hà cho biết, chi phí này chỉ bằng 1/4 so với việc thí sinh theo học chương trình này tại Mỹ.

ĐH Ngoại thương cũng thông báo hàng loạt chương trình liên kết đào tạo như chương trình Cử nhân Kinh doanh 3 +1, liên kết với Đại học Bedfordshire - Vương Quốc Anh, 3 năm đầu tại Đại học Ngoại thương, năm cuối sang một số trường của Anh với điều kiện thí sinh tốt nghiệp PTTH, đạt điểm sàn kỳ thi ĐH và vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào của chương trình. Tương tự là các chương trình cử nhân Quản lý Tài chính và Dịch vụ, 4 năm tại Việt Nam, liên kết với Đại học Neils Brock - Đan Mạch, 4 năm học hoàn toàn tại Đại học Ngoại thương hoặc chuyển tiếp sang Đan Mạch bất cứ năm nào hay Cử nhân Kinh tế Đối ngoại, Tài chính Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ... liên kết với các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Tây, năm đầu học tại Đại học Ngoại thương, chuyển tiếp các năm tiếp theo sang Trung Quốc.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện các chương trình liên kết đào tạo rất đa dạng, chính bởi vậy điểm cần lưu ý với thí sinh là làm sao lựa chọn được những địa chỉ tin cậy. Theo thông báo mới nhất của Cục Đào tạo với nước ngoài, tổng số có 142 chương trình liên kết đào tạo của 52 cơ sở đào tạo đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt và đã công bố công khai trên trang web của Cục bên cạnh các chương trình liên kết đào tạo do các trường ĐH quốc gia và ĐH vùng cấp phép cho các đơn vị thành viên.

Phòng ngừa thất lạc giấy báo nhập học

Theo  Bộ GD-ĐT, hiện các trường ĐH, CĐ đang gấp rút in giấy báo nhập học nếu trúng tuyển và giấy báo kết quả thi dành cho thí sinh không trúng tuyển NV1. Trong tuần tới, thí sinh sẽ nhận được giấy báo. Thí sinh nộp hồ sơ dự thi ở đâu thì đến đó nhận giấy báo kết quả. Nếu có thất lạc hay không thì phải đến cuối tháng 8 mới biết chính xác và khi đó thí sinh cần liên hệ với nơi đăng ký để được cấp lại giấy báo để xét tuyển.