Theo chân CSGT, xử lý “ma men” trên đường

ANTĐ - Thống kê sơ bộ, từ đầu tháng 9 tới nay, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã tiến hành xử phạt khoảng 100 trường hợp lỗi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đa phần trong đó là nam giới, điều khiển mô tô, xe máy.

Kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông để xác định nồng độ cồn

Tối 6-9, tổ tuần tra thuộc Đội CSGT số 4 CATP Hà Nội tổ chức chốt chặn tại ngã 3 Tăng Bạt Hổ - Yersin (khu vực trước cửa Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1). Đây là một khu vực khá “nhạy cảm”, khi cách đó chừng 300-400m về phía đầu đường Tăng Bạt Hổ có nhiều quán nhậu. “Ban ngày, có thể quan sát bằng mắt thường thấy sắc mặt đỏ hay tái lờ đờ của người điều khiển phương tiện, để tiến hành dừng xe, kiểm tra. Tuy nhiên việc này vào buổi tối trở nên khó khăn hơn rất nhiều” - một sỹ quan thuộc Đội số 4 CSGT cho hay: “Do đứng ngược chiều đèn xe rất chói, ngay việc quan sát biển số xe cũng khó, chưa nói đến việc quan sát sắc mặt lái xe”. Vì thế tổ CSGT phải sử dụng đến bộ đàm, cắt cử một chiến sĩ lên phía trên quan sát, thấy người điều khiển phương tiện có dấu hiệu say xỉn thì báo về qua bộ đàm, để chiến sĩ chốt phía dưới nhận biết, tiến hành dừng xe.

Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, có khoảng gần chục trường hợp bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Hầu hết, các lái xe đều tỏ ra khá hợp tác sau khi nghe lực lượng CSGT giải thích về việc kiểm tra nồng độ cồn. Mặc dù, được hướng dẫn về cách thở vào máy song theo quan sát của phóng viên, nhiều người khá lúng túng, thường phải thở đi thở lại đến lần thứ 2, thứ 3 mới đo được nồng độ cồn. Một số người trước khi ngậm vào chiếc ống thở, thắc mắc về vấn đề vệ sinh, ngay lập tức được lực lượng CSGT giải thích: “Mỗi người sử dụng một ống thở riêng, kiểu như dùng kim tiêm nhựa, nên đảm bảo an toàn vệ sinh”.

Một vài trường hợp, biết rằng mình vừa uống bia rượu, cố tình không hợp tác bằng cách thở nhẹ, để máy không đo được. Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT cương quyết yêu cầu thực hiện lại động tác. Cần thiết cho nghỉ ngơi ít phút, để có thể ổn định lấy hơi. Sau khi thở, chiếc máy lập tức báo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện có nằm trong mức bị phạt hay không. Theo quy định, nếu nồng độ cồn đo được từ 0,25 - 0,4mg/lít thì người điều khiển mô tô, xe máy sẽ bị phạt từ 300.000-400.000 đồng; cũng với mức vi phạm này, người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn, từ 600.000-800.000 đồng.