Thêm một tháp nghiêng ở Italia phải chống đỡ trước nguy cơ bị sập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Italia đang chạy đua với thời gian để chống đỡ một tháp nghiêng khác: tháp Torre Garisenda ở Bologna. Kế hoạch cứu tòa tháp trước nguy cơ bị sập này là sử dụng cùng thiết bị đã chống đỡ tháp nghiêng Pisa.
Khu vực xung quanh chân tháp Torre Garisenda đã bị phong tỏa sau khi có lo ngại về nguy cơ bị sập

Khu vực xung quanh chân tháp Torre Garisenda đã bị phong tỏa sau khi có lo ngại về nguy cơ bị sập

Tháp Torre Garisenda cao 48 mét được xây dựng vào thế kỷ 12, nhưng 2 thế kỷ sau nó đã bắt đầu nghiêng. Ngày nay, nó nghiêng một góc 4 độ, chỉ nhỉnh hơn một chút so với độ nghiêng 3,9 độ hiện tại của tháp Pisa.

Cuối năm ngoái, các đường phố xung quanh Garisenda đã tạm thời bị phong tỏa khi các nhà khoa học theo dõi tòa tháp để tìm bằng chứng về sự chuyển động và vết nứt, kết luận rằng nó có “nguy cơ cao” sẽ sụp đổ.

Ông Matteo Lepore - Thị trưởng Bologna hôm 27-3 tuyên bố rằng, các trụ và dây cáp trước đây được sử dụng để cứu tòa tháp Pisa sẽ được triển khai cùng với giàn giáo thép được điều chỉnh để giúp tòa tháp không bị gãy vỡ.

Thị trưởng Matteo cho biết, điều này có thể cho phép Tháp Asinelli, một công trình kiến trúc cao hơn nằm cạnh Garisenda, mở cửa trở lại cho công chúng.

Dự kiến, lực lượng chức năng sẽ mất khoảng 6 tháng để điều chỉnh thiết bị kéo chống cho tháp nghiêng Garisenda, với chi phí khoảng 19 triệu euro (khoảng 20 triệu USD).

Hình ảnh minh họa cách sử dụng thiết bị chống đỡ để "nắn" tháp nghiêng Torre Garisenda

Hình ảnh minh họa cách sử dụng thiết bị chống đỡ để "nắn" tháp nghiêng Torre Garisenda

Mặc dù không nổi tiếng bằng tháp nghiêng Pisa, Torre Garisenda từ lâu đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch ở Bologna. Hình dáng bất thường của nó từng được nhắc đến trong bài thơ “Divine Comedy” thế kỷ 14.

Tháp Pisa, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, đã nghiêng 4,5 độ vào đầu những năm 1990. Từ năm 1993, các lực lượng quốc tế đã chung tay ngăn chặn nguy cơ tháp bị sập và công việc này kéo dài 8 năm.

Ngày nay, tháp chuông Pisa ổn định chủ yếu nhờ vào những cột thép. Hy vọng, giải pháp này cũng sẽ hiệu quả với tháp Garisenda.