Thêm một nhà báo bị sát hại gây chấn động dư luận Philippines

ANTD.VN - Một tay súng đã bắn chết nhà báo Jesus Malabanan khi ông đang xem truyền hình tại cửa hàng của gia đình ở thành phố thuộc tỉnh Samar, miền Trung Philippines. Vụ tấn công trắng trợn một lần nữa xảy ra ở nơi từ lâu được coi là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với đội ngũ nhà báo.

Jesus Malabanan là nhà báo mới nhất bị sát hại tại Philippines

Vụ ám sát tại gia

Cảnh sát Philippines cho biết, ông Jesus Malabanan, 58 tuổi, bị một trong 2 người đàn ông đi xe máy bắn vào đầu vào tối 8-12 khi đang trông coi cửa hàng. Các nghi phạm đã trốn thoát. Nhà báo làm việc cho tờ Manila Standard được xác định đã qua đời trước khi tới bệnh viện.

Là một nhà báo độc lập, ông Malabanan đã đóng góp các câu chuyện cho một số ấn phẩm có trụ sở tại Philippines cũng như hãng tin Reuters. Đáng chú ý, ông là nhà báo đóng góp vào cuộc điều tra của hãng tin Reuters về cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte, sau đó phóng sự điều tra đã đoạt giải Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí. Nhiều nguồn tin cho biết, ông Malabanan đã bị đe dọa ở quê hương Pampanga ở phía Bắc, nên ông quyết định chuyển đến Samar ở miền Trung Philippines. “Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cần công lý cho Jesus”, nhà báo Manny Mogato, người cũng là thành viên của nhóm Reuters đã giành được Giải thưởng Pulitzer trong Báo cáo Quốc tế năm 2018 đã viết.

Loạt câu chuyện từng đoạt giải thưởng của hãng tin Reuter đã phơi bày “chiến dịch giết người tàn bạo đằng sau cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte”, theo trích dẫn của Pulitzer. Nhóm điều tra của Reuters đã nói lên vai trò của các sĩ quan cảnh sát Davao trong các cuộc truy quét tội phạm ma túy ở Manila cũng như việc sử dụng các bệnh viện để che giấu các vụ chết người này. Cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte khiến hàng nghìn người bị cáo buộc là nghi phạm ma túy thiệt mạng, hiện đang là chủ đề điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Sự việc gây chấn động khiến các đồng nghiệp của Malabanan và cơ quan quan bảo vệ truyền thông do Tổng thống Rodrigo Duterte thành lập cũng đã lên án mạnh mẽ vụ giết người này. Trong một tuyên bố, Câu lạc bộ Báo chí Pampanga kêu gọi các nhà chức trách “hỗ trợ để nhanh chóng điều tra, bắt giữ thủ phạm của hành động hèn nhát này”.

Nơi nguy hiểm với giới phóng viên

Dữ liệu do Liên minh Nhà báo Quốc gia Philippines (NUJP) tổng hợp cho thấy, ít nhất 21 nhà báo đã bị giết ở nước này kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống vào tháng 6-2016. Đơn cử, hồi tháng 10-2021, nhà báo và nhà bình luận Đài phát thanh trực tuyến Orlando Dinoy đã bị sát hại tại căn hộ của mình ở vùng phía Nam Davao. Nghi phạm bị bắt và sau đó bị buộc tội giết người nhưng một phát ngôn viên của Chính phủ cho biết, nguyên nhân khiến ông Dinoy bị giết hại không liên quan đến nghề báo. Trước đó, một nhà báo trở thành chính trị gia cũng đã bị giết ở tỉnh Capiz, miền Trung đảo Panay.

Sự kiện bi thảm nhất phải kể đến là vào năm 2009. Các thành viên của một gia tộc chính trị quyền lực và các cộng sự của họ đã bắn hạ 58 người, trong đó có 32 nhân viên truyền thông, trong một cuộc tấn công theo kiểu hành quyết ở tỉnh Maguindanao, miền Nam nước này khiến cả thế giới kinh hoàng. Mặc dù, vụ giết người hàng loạt này được cho là có liên quan đến một cuộc cạnh tranh bạo lực vì bầu cử nhưng nó cũng cho thấy những mối đe dọa mà các nhà báo ở Philippines phải đối mặt.

Tình trạng tràn lan súng không có giấy phép và lực lượng an ninh tư nhân do các gia tộc quyền lực kiểm soát cũng như việc thực thi pháp luật yếu kém ở các vùng nông thôn là một trong những mối quan ngại về an ninh mà các nhà báo phải đối mặt tại quốc gia Đông Nam Á nghèo đói như Philippines.

Tính cả vụ sát hại phóng viên Malabanan, đã có ít nhất 14 vụ sát hại nhà báo chưa được giải quyết ở Philippines. Hầu hết các vụ giết người xảy ra ở các tỉnh, nơi lực lượng nhà báo được bảo vệ ít hơn so với các đồng nghiệp của họ ở Thủ đô Manila khi họ đưa tin về những câu chuyện thời sự gây tranh cãi.

Cho đến khi xảy ra vụ tấn công chết người mới nhất hôm 8-12, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York cho biết đã có 87 người hành nghề truyền thông thiệt mạng trong khi thi hành công vụ ở Philippines kể từ năm 1992, khi tổ chức này lần đầu tiên bắt đầu thu thập dữ liệu trên toàn thế giới.