Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền các nước

ANTD.VN - Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ trên khắp thế giới chỉ trích những hành vi vi phạm chủ quyền các nước, đe dọa hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của các nước liên quan.

Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng trên biển 

Trang web Bộ Ngoại giao Đức ngày 29-8 đã đăng tải thông cáo về tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông. Trong đó, ba cường quốc Đức, Pháp và Anh kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển Biển Đông thực hiện các biện pháp và giải pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển, quyền tự do và hàng hải trên khu vực Biển Đông.

Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm của họ đối với việc áp dụng phổ biến Công ước đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển bao gồm cả ở Biển Đông phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Ba cường quốc này nhắc lại Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được đưa ra theo UNCLOS 1982 vào ngày 12-7-2016 trong vụ kiện của Philippines, bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn.

Tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh là tiếng nói mới nhất của cộng đồng quốc tế về tình hình căng thẳng rất đáng lo ngại trên Biển Đông do những hành vi hung hăng, gây hấn để đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Đặc biệt là việc Trung Quốc từ đầu tháng 7 tới nay đã đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa ở bãi Tư Chính của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.

Khu vực bãi Tư Chính, theo quy định của Công ước UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia cùng tham gia và cam kết tuân thủ, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc Trung Quốc - một thành viên Công ước UNCLOS 1982, cũng là một Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - lại vẫn bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vì thế càng làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông vốn đã căng thẳng bởi tham vọng và hành vi hung hăng đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Sự leo thang các hành vi nguy hiểm của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền trên Biển Đông do vậy đã khiến cả thế giới quan tâm với sự lo ngại sâu sắc. Trước tuyên bố chung của ba cường quốc Pháp, Đức và Anh một ngày, trong tuyên bố đăng ngày 28-8 trên trang web của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) về chính sách an ninh và đối ngoại Maja Kocijancic nhấn mạnh, các hành động đơn phương ở Biển Đông khoảng vài tuần trở lại đây khiến căng thẳng gia tăng, gây nguy hại cho môi trường an ninh hàng hải, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực.

Cũng như Tuyên bố chung của Pháp, Đức và Anh về tình hình Biển Đông, Tuyên bố của EEAS nhấn mạnh điều quan trọng đối với tất cả các bên là phải kiềm chế, thực hiện các bước cụ thể để khôi phục nguyên trạng, tránh quân sự hóa và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 cũng như tôn trọng chủ quyền của các quốc gia theo quy định của Công ước này.

“Sự leo thang các hành vi nguy hiểm của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền trên Biển Đông đã khiến cả thế giới quan tâm với sự lo ngại sâu sắc. Các hành động đơn phương ở Biển Đông khoảng vài tuần trở lại đây khiến căng thẳng gia tăng, gây nguy hại cho môi trường an ninh hàng hải, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực”.

Maja Kocijancic (Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) về chính sách an ninh và đối ngoại)