Iraq và khủng hoảng nhà ở

(ANTĐ) - Khi nói về khủng hoảng ở Iraq, Wathiq Htaib không có ý định nói về chính trị hay xung đột phe phái. “Mọi ngày chúng tôi đều gặp cái gọi là “khủng hoảng nhà vệ sinh buổi sáng”.

Iraq và khủng hoảng nhà ở

(ANTĐ) - Khi nói về khủng hoảng ở Iraq, Wathiq Htaib không có ý định nói về chính trị hay xung đột phe phái. “Mọi ngày chúng tôi đều gặp cái gọi là “khủng hoảng nhà vệ sinh buổi sáng”.

Không gian chật hẹp trong gia đình Htaib

Không gian chật hẹp trong gia đình Htaib

5 gia đình sống trong một nhà

Đôi khi chúng tôi đi làm muộn vì phải đợi một giờ để được vào nhà vệ sinh” - Wathiq Htaib, 31 tuổi, khẳng định khi anh ngồi trên sàn nhà một căn phòng nhỏ, trống trải, nơi 6 thành viên trong gia đình ngủ mỗi đêm. T

rong nhà Wathiq Htaib, một ngôi nhà bê tông gồm 5 phòng với 13 thành viên ở quận Sadr City thuộc Thủ đô Baghdad, 4 cặp vợ chồng ngủ trong 4 phòng, trong khi mẹ, 3 em trai, 1 em gái và 1 trẻ nhỏ của họ ngủ trong căn phòng còn lại. “Chúng tôi cãi cọ gay gắt hàng ngày về phòng bếp và nhà tắm. Đã 7 năm nay, hoàn cảnh của chúng tôi không hề thay đổi. Tình hình còn tồi tệ hơn vì giá thuê nhà đang tăng cao” - Wathiq Htaib tâm sự.

Đối với những gia đình như Htaib, việc thiếu không gian và sự riêng tư đã hình thành nên lối sống riêng về thời gian ăn, ngủ, tiếp khách và thậm chí kết hôn. Kamal Htaib, 20 tuổi cho biết, anh buộc phải hoãn đám cưới vì không có phòng riêng và cũng không có nơi nào khác anh có thể có đủ tiền để mua.

Trong khi đó, vấn đề đối với những người anh của Kamal Htaib là sự cãi vã giữa các bà vợ về giặt giũ, dọn nhà và nấu nướng. Bà Hadiya Jabbar, 66 tuổi, mẹ của Kamal Htaib cho biết: “Tôi chia việc nhà nhưng có người làm có người không. Chúng đang sống trong một không gian chật chội cho nên tôi biết có rất nhiều áp lực”.

Được đặt ở vị trí thấp hơn so với các vấn đề lớn như tổng tuyển cử hay bạo lực gia tăng, cuộc sống của phần lớn người dân Iraq đang tập trung vào những mối lo hàng ngày: thiếu điện sinh hoạt, và thiếu hụt nhà ở, buộc hai, ba thậm chí bốn, năm gia đình sống chung dưới một mái nhà.

Cơ sở hạ tầng yếu kém

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tại một số khu vực ở Iraq, trung bình cứ 4 người chung một phòng ngủ. Iraq hiện có 2,8 triệu ngôi nhà và thiếu hụt 1,3 triệu ngôi nhà trong tổng số 30 triệu dân của nước này. Khi dân số tiếp tục tăng lên, nước này cần xây dựng 3,5 triệu ngôi nhà vào năm 2015. “Khủng hoảng hiện nay cũng là khủng hoảng của 3 thập kỷ trước” - ông Istabraq I. al-Shouk, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và nhà ở Iraq cho biết.

Theo ông Istabraq, vào cuối những năm 80, lúc chấm dứt cuộc chiến tranh với Iran, Tổng thống Saddam Hussein đã công bố một chương trình lớn của Chính phủ Iraq nhằm xây dựng nhà ở, tuy nhiên những kế hoạch này đã phải nhường chỗ cho việc xâm lược Kuwait, chiến tranh Vùng Vịnh, các lệnh trừng phạt quốc tế và sự can thiệp quân sự trực tiếp của lực lượng do Mỹ đứng đầu vào năm 2003. Năm 2003, sau khi chính quyền

Saddam Hussein sụp đổ, một cố vấn của Bộ trưởng Nhà ở lâm thời Iraq công bố kế hoạch của Chính phủ nước này nhằm xây dựng 1 triệu ngôi nhà vào năm 2010, nhưng thực tế chỉ có khoảng 7.000 ngôi nhà được xây.

Ông Istabraq cho biết, hiện nay Chính phủ Iraq chỉ có thể xây đáp ứng 10-15% nhu cầu nhà ở cấp thiết của người dân, phần còn lại do các nhà đầu tư tư nhân xây dựng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại không mấy mặn mà với thị trường bất động sản Iraq vì bạo lực, cơ sở hạ tầng yếu kém và những khó khăn do thủ tục hành chính quan liêu ở nước này.

Theo ông Sami al-Araji, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư quốc gia Iraq, mặc dù một vài công trình xây dựng mọc lên quanh Baghdad trong đó có Sadr City, các công ty tư nhân chỉ xây được “một vài nghìn” nhà mới trong năm 2009, và trước đó gần như không có gì kể từ năm 2003. Hiện ủy ban này có kế hoạch xây dựng 500.000 ngôi nhà trong 2-3 năm tới, tiêu tốn 25 tỷ USD, và đang tìm kiếm nhà đầu tư và  thiết kế để khởi công xây dựng.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, xây dựng tại Iraq không dễ do nước này thiếu các dịch vụ cần thiết cho nhà ở. 89% nhà ở tại Iraq thiếu các nguồn cấp nước ổn định và 73% nhà ở không được kết nối với hệ thống cống rãnh, trong khi trung bình, một ngôi nhà ở Iraq chỉ được cấp điện 8 giờ mỗi ngày. Theo ông Istabraq, vấn đề dịch vụ cho nhà ở tại Iraq hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Nguyễn Tuyên

(Theo Nytimes)