Hoàn cảnh éo le, bi thương của một nữ sinh viên nghèo ở Trung Quốc chết trong kham khổ

ANTD.VN - Cái chết của nữ sinh viên đại học bị suy dinh dưỡng vì không đủ ăn, nhiều năm chỉ có cơm trộn ớt ở tỉnh Quý Châu làm dấy lên mối lo ngại về “cuộc chiến” chống đói nghèo ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nữ sinh viên 24 tuổi chỉ cao 135cm, nặng 21,6kg đã qua đời sau một thời gian dài sống quá kham khổ

Nữ sinh viên Wu Huayan (24 tuổi) ngày 13-1 đã chết tại bệnh viện thuộc trường Đại học Y Quý Châu, thành phố Đồng Nhân. Phát ngôn viên của bệnh viện đã xác nhận việc này nhưng từ chối đưa ra lý do cho cái chết của nữ sinh viên trẻ. Là sinh viên đại học năm thứ 3 nhưng Wu có ngoại hình rất bé nhỏ, chỉ cao 135cm, nặng 21,6kg, theo một tuyên bố của chính quyền thành phố Đồng Nhân vào tháng 10-2019. Thời điểm đó, cái tên Wu Huayan được nhiều người dân trên khắp Trung Quốc nhắc tới khi câu chuyện của cô được kể với truyền thông.

Hoàn cảnh éo le

Cha mẹ của Wu đã qua đời và cô gái trẻ sống với em trai mình. Họ sống được là nhờ có trợ cấp chương trình an sinh xã hội 300 Nhân dân tệ (43,5 USD) mỗi tháng. Vì em trai bị bệnh tâm thần, Wu đã sống cực kỳ đạm bạc để tiết kiệm tiền giúp chăm sóc em. Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết, Wu thường xuyên bỏ bữa sáng, các bữa còn lại trong ngày thường xuyên ăn cơm trộn ớt. Cô gái này đã ăn uống kham khổ như vậy từ thời học trung học.

Hồi tháng 10-2019, Wu được đưa vào bệnh viện địa phương do bị sưng chân. Một bác sĩ cho biết, van tim của cô đã bị tổn thương nghiêm trọng và chi phí phẫu thuật mất khoảng  200.000 Nhân dân tệ (29.000 USD). Hoàn cảnh éo le không tưởng tượng nổi của nữ sinh viên nghèo khiến dư luận sửng sốt. Một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Bắc Kinh đã thiết lập một chiến dịch gây quỹ cho Wu, từ đó đã quyên góp được số tiền cao gấp 3 lần số tiền cần thiết cho cuộc phẫu thuật. Mặc dù vậy, sức khỏe của Wu đã xấu đi trong năm nay trước khi cô qua đời vào 13-1, theo tờ Thanh niên Bắc Kinh. 

Công cuộc xóa đói giảm nghèo còn dài

Cái chết của Wu đã gây ra sự phẫn nộ trong những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc và nhiều người đặt câu hỏi tại sao đất nước này không thể làm nhiều hơn để cứu nữ sinh viên. “Thật khó để tưởng tượng rằng một số người vẫn nghèo đến mức không đủ ăn mặc dù đã là năm 2020”, một người dùng đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc viết. “Tôi chỉ không thể hiểu công cuộc xóa đói giảm nghèo của chúng ta thế nào”, một người khác viết.

Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch xóa đói giảm nghèo và xây dựng một “xã hội thịnh vượng tương đối” vào cuối năm 2020. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với tổng thu nhập quốc dân năm 2018 là 13,6 nghìn tỷ USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới. 

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế của đất nước đã tạo ra sự bất bình đẳng lớn giữa các thành phố lớn, như Bắc Kinh và Thượng Hải với các khu vực nông thôn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tình trạng bất bình đẳng ở Trung Quốc vào năm 1990 ở mức vừa phải nhưng hiện họ đã trở thành một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. John Donaldson, một chuyên gia về chống đói nghèo tại trường Đại học Quản lý Singapore, nói với CNN hồi tháng 4-2019 rằng các nhà lãnh đạo địa phương dường như thực hiện rất nghiêm túc nhiệm vụ này, nhưng việc xóa bỏ đói nghèo thực sự ở nông thôn Trung Quốc sẽ mất một thời gian dài nữa. Vào cuối năm 2018, khoảng 16,6 triệu người Trung Quốc vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ (được xác định là dưới 2.300 NDT, khoảng 333 USD mỗi năm), theo Cục Thống kê Quốc gia của nước này.