Góc khuất đằng sau tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản

ANTD.VN - Trong một nghĩa trang ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản), một tòa nhà do thành phố quản lý để chứa tro cốt của người đã khuất. Đó là một tòa nhà bê tông vô danh thường bị khóa cửa. Nếu không có một tượng đài ở lối vào, được dựng lên để tưởng nhớ những linh hồn đã khuất, mọi người sẽ không biết rằng tòa nhà này là nơi để tro cốt.

Góc khuất đằng sau tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản ảnh 1Ông Kazuyuki Kitami - quan chức thành phố Yokosuka (Nhật Bản) - quản lý tòa nhà đặt tro cốt của người đã khuất

Tòa nhà đặc biệt

Điều đặc biệt là tòa nhà này chỉ có tro cốt của những người đã chết mà không còn thành viên nào trong gia đình đến nhận. Phần còn lại của khoảng 900 người đang ở đây, không còn nơi nào để đi. Không có ánh sáng trong tòa nhà. Sử dụng đèn pin, người ta có thể tìm thấy một số chiếc lọ được bọc trong vải trắng trên giá đỡ kim loại đơn giản. Không có bàn thờ hoặc chân dung của người chết, chỉ có các bảng tên trên chiếc lọ để phân biệt tro cốt. Mỗi năm, khi các quan chức vào tòa nhà để đặt tro cốt mới, họ đặt hoa, dâng hương và chắp tay cầu nguyện cho người quá cố.

Số người chết mà không có ai trông nom tro cốt của họ tăng nhanh ở thành phố Yokosuka kể từ năm 2000. Trong hầu hết các trường hợp, danh tính của họ đã được xác định, nhưng tro cốt họ vẫn được đặt tại cơ sở này vì không có người thân thích đến nhận. Số người chết như vậy tạm thời giảm khi thành phố nỗ lực tìm kiếm gia đình và người thân, nhưng nó đã tăng trở lại vào năm 2017. Có 49 trường hợp trong năm đó, chỉ 1 trường hợp trong số đó không được xác định. 

Ông Kazuyuki Kitami, một quan chức của thành phố Yokosuka nói rằng phần lớn tro cốt thuộc về những người già đã chết khi sống một mình. Nếu họ không có gia đình hoặc người thân để chăm sóc ngôi mộ của họ sau khi qua đời, hoặc nếu giới chức thành phố không thể liên lạc với người thân, thì hài cốt được coi là không có người nhận, việc này không liên quan đến mong muốn của người quá cố. Ông Kazuyuki Kitami cho biết, ngay cả khi giới chức có thể liên lạc với người thân, họ thường sẽ từ chối nhận hài cốt vì chi phí và rắc rối khi tổ chức tang lễ. 

Ký hợp đồng tổ chức tang lễ khi qua đời 

Thành phố Yokosuka đã ra mắt một hệ thống mới cách đây 4 năm để giảm số lượng thi thể không có người nhận. Theo hệ thống đó, giới chức thành phố hỏi những người già sống một mình rằng họ muốn tổ chức tang lễ như thế nào sau khi qua đời và nơi chôn cất hài cốt của họ. Các quan chức sau đó yêu cầu họ ký hợp đồng với các bên cam kết, qua vai trò trung gian của thành phố. 

Những người sử dụng hệ thống này phải đáp ứng một số điều kiện, chẳng hạn như thu nhập tối thiểu, cho đến nay 39 người đã ký hợp đồng. Cụ ông Sumitaka Horiguchi (80 tuổi) là một trong số đó. Ông đang sống một mình trong một căn hộ ở phía Bắc thành phố. Ông mồ côi mẹ khi mới 9 tuổi còn cha ông tái hôn. Horiguchi sống với ông bà đến năm 15 tuổi, nhưng sau đó bỏ nhà đi. Ông tìm được công việc tại một cửa hàng cá trong thành phố. Ông từng cân nhắc việc kết hôn, nhưng không chắc liệu mình có thể nuôi sống gia đình hay không, vì vậy ông tiếp tục sống một mình. Ông Horiguchi có 3 anh chị em cùng cha khác mẹ, nhưng không liên lạc với họ. Ông cũng không thể ở bên cha khi người cha qua đời. 

Horiguchi đã không thể tiếp tục làm việc do sức khỏe kém 3 năm về trước, và ông đã tham khảo ý kiến với các quan chức tại tòa thị chính thành phố. Ông đã được nói về hệ thống nêu trên để lập một hợp đồng tổ chức đám tang và chôn cất sau khi qua đời. Horiguchi quyết định đề nghị một ngôi đền thực hiện các nghi lễ trong lễ tang sau khi ông qua đời. Nhớ về thời trẻ, ông Horiuchi nói: “Tôi sống một mình và không thực hiện nghĩa vụ với người thân, vì vậy tôi sẽ không quan tâm nếu tôi chết không có ai nhận hài cốt”. Nhưng bây giờ ông đang sống theo cách xây dựng hơn. Ông bỏ rượu và thuốc lá. Hiện ông đang làm tình nguyện viên giúp đỡ cư dân của một cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Ông cũng bày tỏ mong muốn đến thăm mộ của cha mẹ và gặp gỡ người thân.

Một cuộc điều tra dân số trên toàn Nhật Bản cho thấy khoảng 5,9 triệu người từ 65 tuổi trở lên sống một mình. Con số này tăng gần gấp 7 lần so với 40 năm trước, có nghĩa là cứ 6 người cao tuổi thì có 1 người sống một mình. Khi dân số già hóa, số lượng người chết không có người thân đến nhận chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng.