Gian nan cuộc chiến ngăn chặn lao động trẻ em ở châu Phi

ANTD.VN - Nhiều trẻ em ở châu Phi phải giúp việc cho các gia đình giàu có, làm việc trên các đồn điền hoặc bán dâm để có tiền giúp đỡ gia đình. Các em đã bị đánh cắp tuổi thơ, sống trong nghèo khó và không được đến trường.

Gian nan cuộc chiến ngăn chặn lao động trẻ em ở châu Phi ảnh 1Trẻ em làm việc trong một mỏ vàng ở Tanzania

Vòng luẩn quẩn cố hữu

“Tên cháu là Ali, 13 tuổi. Cháu làm công việc đánh giày đã được 2 năm. Số tiền kiếm được, cháu mua thức ăn, quần áo cho mình và em trai”, cậu bé vừa đánh giày, vừa nói với phóng viên tờ DW (Đức). Cha mẹ Ali đã bị Boko Haram giết hại. Ali đánh giày kiếm tiền để chăm sóc bản thân và nuôi em. Chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn trên đường phố Maiduguri, phía Bắc Nigeria, mọi người dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ như Ali Usman. Tất cả đều cố gắng kiếm sống. Theo Cục Thống kê Quốc gia, 50,8% trẻ em Nigeria làm việc toàn thời gian.

“Lao động trẻ em được nhìn nhận trên nhiều phương diện. Lao động cưỡng bức, mại dâm, làm việc trong các mỏ vàng chỉ là một vài ví dụ”, Ninja Charbonneau của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nói. Hầu hết trẻ em ở châu Phi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi, cũng như giúp việc trong các doanh nghiệp gia đình nhỏ. 

“Những thiệt hại mà trẻ em phải gánh chịu là rất lớn. Các em đã bị đánh mất những năm tháng tươi đẹp của tuổi thơ. Những đứa trẻ không thể lớn lên một cách bình thường và vô tư như quyền của chúng. Thường thì các em không đến trường và đó là vòng luẩn quẩn cố hữu. Không có giáo dục, khi lớn lên, các em ít có khả năng kiếm được việc làm với mức lương cao”, Charbonneau nói tiếp.

Diallo Assitan Fofana, Chủ tịch Hiệp hội thúc đẩy và bảo vệ quyền lao động nữ và trẻ em ở Mali nói rằng, ở Mali, hàng nghìn cô gái trẻ di chuyển từ nông thôn đến thành phố. Họ là những người lao động nhập cư làm việc trong các hộ gia đình để giúp đỡ cha mẹ. Nhiều người là trẻ vị thành niên chưa từng đến trường hoặc đã bỏ học. Tổ chức Lao động Quốc tế Liên hợp quốc (ILO) quy định độ tuổi lao động tối thiểu là 15. Tuy nhiên, tiêu chuẩn quốc tế thường chỉ được đưa vào một phần trong luật quốc gia. 

“Chỉ cấm lao động trẻ em là không đủ”

Cuộc chiến ngăn chặn lao động trẻ em ở châu Phi dường như bị đình trệ. Theo UNICEF, số lượng trẻ vị thành niên làm việc tăng trong giai đoạn 2012 - 2016, bất chấp nỗ lực của chính phủ các quốc gia châu Phi chống lại lao động trẻ em.  “Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này nhưng lý do chính là sự phát triển kinh tế chậm chạp, xung đột, bạo lực. Sự gia tăng nghèo đói ở Mali, Somalia hay Sudan buộc trẻ em phải giúp gia đình bảo đảm sinh kế. Nhiều gia đình phải di dời nên không có việc làm. Đáng buồn hơn là trường hợp trụ cột gia đình bị giết hại hoặc bị tách khỏi gia đình”, Charbonneau nói.

UNICEF cam kết chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025. Theo Charbonneau, với các quốc gia châu Phi, thay đổi luật là chưa đủ.  “Chỉ cấm lao động trẻ em là không đủ. Cần sự thay đổi căn bản đối với toàn bộ môi trường và điều kiện làm việc chung”, Charbonneau nói.

Charbonneau nhấn mạnh 4 cách tiếp cận: “Đầu tiên cần hệ thống pháp luật cấm lao động trẻ đủ mạnh, được thực thi hiệu quả. Thứ hai, cải thiện hoàn cảnh sống của các gia đình. Ví dụ, phải có sự bảo trợ xã hội trong trường hợp cả cha, mẹ đều thất nghiệp. Cha mẹ cần có cơ hội việc làm và trả lương phù hợp để nuôi dạy con cái. Ngoài ra, phải có cơ hội giáo dục miễn phí và chất lượng cao cho trẻ em. Thứ ba, cần thay đổi nhận thức. Mọi người phải hiểu sâu sắc rằng, lao động trẻ em ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em. Thứ tư, các doanh nghiệp, công ty, người sử dụng lao động phải nói “không” với lao động trẻ em”. 

Ariane Genthon, cán bộ chương trình lao động trẻ em trong nông nghiệp tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, ngày càng có nhiều Chính phủ hành động để giúp giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong nông nghiệp. “Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp và không thể giải quyết chỉ bằng một sự can thiệp hoặc thiện chí của một quốc gia. Rất cần sự phối hợp từ các quốc gia, các lĩnh vực thông qua hệ thống giải pháp để giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong nông nghiệp”, Ariane Genthon nói.