Thế giới kêu gọi “hạ nhiệt ngay lập tức” các hành động thù địch tại Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau những tính toán cân não, Israel đã quyết định tấn công trả đũa vào lãnh thổ Iran. Tình hình khu vực Trung Đông lại nóng lên, khiến thế giới hết sức lo ngại. Nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Nhiều tiếng nổ gần căn cứ không quân của Iran

Theo hãng tin Fars của Iran, tối 18-4, đã có “3 tiếng nổ” gần căn cứ không quân Shekari gần thành phố Isfahan, sau những báo cáo chưa được xác nhận về các cuộc tấn công của Israel vào Iran. Căn cứ không quân này nằm trong số nhiều căn cứ mà Iran sử dụng để tiến hành cuộc tấn công trực tiếp vào Israel vào cuối tuần trước. Còn Isfahan là nơi đặt một số cơ sở hạt nhân của Iran, trong đó có cơ sở Natanz - trung tâm phát triển chương trình làm giàu urani của nước này.

Cơ sở hạt nhân Natanz tại thành phố Isfahan của Iran

Cơ sở hạt nhân Natanz tại thành phố Isfahan của Iran

Iran cho biết đã kích hoạt hệ thống phòng không tại một số thành phố và bắn hạ một số thiết bị bay không người lái, đồng thời khẳng định “hiện tại không có cuộc tấn công tên lửa nào” vào nước này. Tư lệnh cấp cao của quân đội Iran Siavosh Mihandoust khẳng định, tiếng nổ tại Isfahan là do các hệ thống phòng không của thành phố được kích hoạt để đánh chặn các mục tiêu khả nghi và vụ việc không gây thiệt hại nào đối với nước này. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, không có thiệt hại nào đối với các địa điểm hạt nhân của Iran trong cuộc tấn công sáng 19-4 tại tỉnh Isfahan. “IAEA có thể xác nhận rằng không có thiệt hại nào đối với các cơ sở hạt nhân của Iran... và đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ”, cơ quan này cho biết.

Iran đã đình chỉ các chuyến bay ở một số khu vực, trong đó có thành phố Isfahan, Shiraz và Tehran. Mọi chuyến bay đi và đến sân bay quốc tế Imam Khomeini ở Thủ đô Tehran đã bị hủy. Các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu chuyển hướng đường bay vào sáng 19-4 (giờ địa phương) qua miền Tây Iran mà không có lời giải thích nào, trong đó có các hãng hàng không nổi tiếng Emirates và FlyDubai có trụ sở tại Dubai (UAE). Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh ngày 19-4 cũng đã cảnh báo các tàu buôn đi qua “Vịnh Arab và Tây Ấn Độ Dương” nên cảnh giác trong trường hợp các thiết bị bay không người lái tăng cường hoạt động trong khu vực.

Mặc dù Iran chưa nêu đích danh kẻ đứng sau vụ tấn công nhưng báo chí các nước đều hướng tới Israel. Tối 18-4, CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Israel đã nói với Mỹ rằng họ sẽ trả đũa Iran trong những ngày tới. ABC News đưa tin, họ đã liên hệ với một quan chức lực lượng phòng vệ Isarel, người này đã xác nhận rằng cuộc tấn công tối 18-4 (giờ địa phương) là để đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran.

Trước đó, đêm 13-4, Iran điều hàng trăm thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa tấn công trả đũa vụ không kích tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Thủ đô Damascus, Syria, hôm 1-4, mà Tehran cáo buộc là do Israel thực hiện. Iran nêu rõ cuộc tấn công của họ nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, viện dẫn Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định không có ý định tiếp tục hoạt động này và không tìm cách gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Hầu hết UAV và tên lửa của Iran đã bị bắn hạ trước khi vào lãnh thổ Israel.

Như vậy là Israel đã quyết định đáp trả Iran và điều này có thể dẫn đến những vụ tấn công trả đũa không có hồi kết giữa hai bên. Trước khi Israel đáp trả Iran, Tư lệnh Ahmad Haqtalab của Quân đoàn an ninh và bảo vệ trung tâm hạt nhân thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã cảnh báo rằng Iran sẽ trả đũa “mạnh mẽ” nếu Israel triển khai hành động khiêu khích nhắm vào quốc gia của ông. Phát biểu với báo giới, ông Haqtala khẳng định, Iran sẵn sàng đẩy lùi mọi cuộc tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran, đồng thời nhấn mạnh Iran đã xác định được vị trí của “tất cả các cơ sở hạt nhân của Israel” và sẵn sàng tấn công chúng bất cứ lúc nào “nếu Israel gây hấn”.

Cần “hạ nhiệt ngay lập tức” các hành động thù địch

Trước nguy cơ tình hình Trung Đông nóng lên sau khi Israel tấn công trả đũa Iran, cộng đồng quốc tế tỏ ra hết sức lo ngại và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi tránh leo thang căng thẳng thêm ở Trung Đông. Quan chức này nói với các phóng viên trong chuyến thăm Phần Lan: “Chúng tôi phải làm mọi việc có thể để tất cả các bên kiềm chế sự leo thang ở khu vực này. Điều thực sự cần thiết là phải giữ ổn định trong khu vực và tất cả các bên kiềm chế, không có thêm hành động”.

Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot ngày 19-4 cho biết, Pháp đang kêu gọi giảm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Trung Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) muốn có sự “giảm leo thang tuyệt đối” ở Trung Đông. Oman, nước đóng vai trò trung gian hòa giải ở Trung Đông, đã lên án cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran, cũng như “các cuộc tấn công quân sự lặp đi lặp lại của Israel trong khu vực”. Trong số các nước Trung Đông, Ai Cập đã lên tiếng cho biết nước này rất lo ngại về sự leo thang các hành động thù địch giữa Israel và Iran. Ai Cập cảnh báo về hậu quả của việc leo thang xung đột và sự bất ổn trong khu vực.

Về phía Trung Quốc, hôm 19-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng hơn nữa và sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng để giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Trung Quốc là đối tác thân thiết của Iran, đối tác thương mại lớn nhất và là khách hàng hàng đầu của ngành dầu mỏ bị trừng phạt của Iran. Mỹ đã nhiều lần công khai kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của nước này đối với Tehran để giải quyết căng thẳng trong khu vực hiện đang gia tăng do xung đột Israel - Hamas.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi “hạ nhiệt ngay lập tức” các hành động thù địch tại Trung Đông. Tại cuộc họp khẩn cấp ngày 14-4 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Guterres cảnh báo Trung Đông đang bên bờ sụp đổ và giờ là lúc các bên phải lùi lại một bước. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang đối thoại cả với Iran và Israel, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm căng thẳng ở khu vực này. Ông Peskov nêu rõ Nga vô cùng quan ngại về căng thẳng leo thang trong khu vực, do đó kêu gọi tất cả các quốc gia ở Trung Đông kiềm chế. Mátxcơva cho rằng tình hình leo thang hơn nữa không có lợi cho bất kỳ bên nào.

Trước mắt, một quan chức cấp cao của Iran khẳng định Iran không có kế hoạch trả đũa Israel ngay lập tức. Quan chức Iran giấu tên cho hay: “Nguồn tin nước ngoài về vụ việc vẫn chưa được xác nhận. Chúng tôi chưa hứng chịu bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài và cuộc thảo luận nghiêng về hướng xâm nhập hơn là tấn công”. Tuy nhiên, tình hình sẽ còn căng thẳng bởi sự đối đầu giữa Israel - Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.