Thế giới đánh giá cao Việt Nam trong nỗ lực phát triển con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19 cùng nhiều biến động tiêu cực trên thế giới, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2021 đã tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Việt Nam tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người

Ngày 8-9, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Lễ công bố báo cáo phát triển con người năm 2021. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhận định, thế giới đang phải đứng trước nhiều bất ổn đan xen. Các thách thức toàn cầu như xung đột, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, mất an ninh lương thực… đã gây ra tác động lớn đối với sự phát triển của con người trên toàn thế giới.

Hệ quả là lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm, chỉ số HDI đã giảm trên toàn cầu 2 năm liên tiếp, phần lớn là do đại dịch. Theo số liệu của UNDP, hơn 90% các quốc gia đã ghi nhận mức giảm điểm HDI vào năm 2020 hoặc 2021. Trong khi đó, tỷ lệ các nước có chỉ số HDI giảm trong cả 2 năm là hơn 40%, báo hiệu rằng cuộc khủng hoảng vẫn đang tác động sâu hơn đối với nhiều người.

Chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người

Chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người

Tính trên quy mô toàn cầu, UNDP cảnh báo chỉ số phát triển con người đã giảm trở lại mức năm 2016, làm đảo ngược nhiều tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Trong khi một số quốc gia đang bắt đầu khôi phục, sự phục hồi vẫn không đồng đều, làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng trong phát triển con người. Đặc biệt, các khu vực như Mỹ Latinh, Caribe, châu Phi cận Sahara và Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch. Dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại và các nhóm dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người. Kết quả là chỉ số HDI của Việt Nam năm 2021 là 0,703, về cơ bản không thay đổi so với con số 0,704 của năm 2019 là thời điểm trước đại dịch Covid-19. Trong bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021, tiếp tục nằm trong số các nước có chỉ số HDI cao cùng với một số nước như Trung Quốc, Nam Phi, Indonesia và Brazil.

Trong trao đổi riêng với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, ông Achim Steiner đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam đã đạt được trong phát triển con người trong thời gian qua và những đóng góp của Việt Nam trong xử lý các thách thức toàn cầu đã được phản ánh trong báo cáo của UNDP.

Báo cáo phát triển con người của UNDP lần đầu tiên được ra mắt năm 1990, được xây dựng với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan LHQ, các nước và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm phân tích các xu thế, bối cảnh thế giới tác động đến sự phát triển của con người về nhiều mặt, qua đó xây dựng và cập nhật chỉ số HDI đối với từng quốc gia trên thế giới. Chỉ số HDI dựa trên tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình, đưa ra một thước đo tổng quát về sự phát triển của con người. Theo tiêu chí trên, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả 3 khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990 và thuộc vào nhóm phát triển con người cao từ năm 2019.

Tập trung cải thiện 3 chỉ số thành phần của HDI

Tuy vậy, thứ bậc về HDI của Việt Nam vẫn còn thấp (trong khu vực đứng thứ 7, trên thế giới đứng thứ 119). HDI của Việt Nam tuy tăng lên, nhưng tăng chậm, nên thứ bậc chậm cải thiện, trong khi các nước cũng có sự cải thiện trong thời gian tương ứng.

Đi vào cụ thể, thứ bậc về 3 chỉ số thành phần của HDI của Việt Nam tăng chậm. Mặc dù có thời gian tăng liên tục khá dài, có tốc độ tăng năng suất lao động tương đối cao, nhưng do điểm xuất phát quá thấp, nên mức thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam thấp hơn nhiều nước.

Trong 5 năm qua, chỉ số này có mức tăng cao nhất (với mức tăng 0,040 điểm). Tuy nhiên, mức này vẫn quá nhỏ để có tác động lớn hơn và cũng có không ít hạn chế. Tuy GDP cao lên, nhưng tỷ lệ GNI/GDP có xu hướng giảm xuống - tức là phần chi ra nước ngoài lớn hơn phần thu từ nước ngoài và chênh lệch này có xu hướng tăng lên về mặt tuyệt đối qua các năm.

Về tuổi thọ, chỉ số này sau 5 năm chỉ tăng 0,004 điểm. Nguyên nhân được nhận diện là: tuổi thọ cao, nhưng những người cao tuổi của Việt Nam phần nhiều không khỏe, nhiều người có bệnh nền, ít có tích lũy; “cơ cấu dân số vàng” đang qua nhanh, “cơ cấu dân số già” đang đến nhanh.

Trong khi đó, chỉ số tri thức tăng chậm, sau 5 năm chỉ tăng 0,022 điểm. Giáo dục - đào tạo có nhiều hạn chế, nhất là về chất lượng, cơ cấu đào tạo có những bất hợp lý về lý thuyết với thực hành, giữa các trình độ, giữa đào tạo và sử dụng, giữa các ngành, nghề… Giáo dục - đào tạo chưa thực sự là chìa khóa của khoa học - công nghệ; khoa học - công nghiệp chưa thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội…

Trong phát triển kinh tế - xã hội, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận rõ, con người không chỉ là nguồn lực, là quy mô, tiềm lực của nền kinh tế, mà còn là mục tiêu, kết quả và là trung tâm của sự phát triển bền vững. Với ý nghĩa quan trọng đó, trong hoạch định cũng như đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước, HDI luôn được chính phủ các nước xác định là một trong những chỉ tiêu đặc biệt quan trọng.

Với Việt Nam, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030, Việt Nam đã “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển” và đặt mục tiêu phải duy trì được HDI trên 0,74 điểm, thay vì 0,703 điểm như hiện nay, qua đó mới cải thiện được thứ hạng xung quanh mức 117-119/180 quốc gia, vùng lãnh thổ được UNDP xếp hạng. Đây là mục tiêu không hề dễ, bởi chỉ số sức khỏe đã gần đến ngưỡng vì tuổi thọ của người dân Việt Nam hiện nay khá cao. Do vậy, muốn có sự tiến bộ rõ rệt, thì phải tập trung cải thiện mạnh mẽ 2 chỉ số thành phần còn lại trong cơ cấu tính HDI.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, tăng tuổi thọ, Việt Nam cần tập trung hơn cho việc nâng cao chỉ số tri thức và đặc biệt là chỉ số thu nhập. Cần khắc phục những hạn chế của các chỉ số này, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ người lao động đang làm việc qua đào tạo, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là kinh tế số. Nếu không có những quyết sách mạnh mẽ cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì Việt Nam khó có thể thu hẹp khoảng cách phát triển con người với các nước ASEAN-6 vì chỉ số thu nhập và giáo dục của các quốc gia này trong 5 năm qua ngày càng bỏ xa Việt Nam.