Thể chế phải đi đầu

ANTĐ - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản báo cáo “Nắm bắt các nguồn tăng trưởng mới”, trong đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2012 sẽ giảm so với năm 2011, xuống còn 5,7%. Song sẽ phục hồi trở lại mức 6,3% vào năm 2013, nếu quá trình cải cách tiếp tục giữ cho kinh tế vĩ mô ổn định và đặt nền móng cho nền kinh tế hiệu quả, năng suất hơn trong trung và dài hạn.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, Chính phủ ở thời điểm này có thể không còn ưu tiên hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô mà cần phải đạt được sự cân bằng giữa ổn định và tăng trưởng, giữa tăng trưởng và việc làm. Sự suy giảm tăng trưởng ở tất cả các ngành, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực sản xuất và khu vực doanh nghiệp tư nhân đã bộc lộ khá rõ. Tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ coi trọng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tái cơ cấu muốn thực hiện thành công, trước hết phải trông chờ vào chính sách tiền tệ.

Trên diễn đàn Quốc hội cũng như tại một số cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cải thiện càng sớm càng tốt mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Bởi trên thực tế, theo một chuyên gia, trong hơn 20 năm qua, khi chính sách tiền tệ thắt chặt (bóp phanh) thì chính sách tài khóa vẫn tiếp tục mở rộng (đạp ga). Hậu quả của việc “người bóp - người đạp” là lãi suất tăng cao, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Thảo luận về Đề án tổng thể Tái cơ cấu nền kinh tế, một số đại biểu thẳng thắn nhận định, Đề án đã nêu được một số nội dung nhưng còn phải “gia công” và kỳ công hơn. Nếu không xúc tiến sớm thì “hết nhiệm kỳ này chắc gì đã xong”.

Trong khi Chính phủ cho rằng, Đề án này thực hiện thì tiền không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu, vì “tái cơ cấu chứ không phải là gói cứu trợ”. Thế nhưng, ý kiến của một vài đại biểu lại khẳng định, quan trọng nhất là phải có tiền để tái cơ cấu kinh tế và bù đắp cho những tổn hại mà nó gây ra. Muốn tái cơ cấu thật sự thì không thể thiếu tiền, không có tiền thì sẽ chỉ thấy tái cơ cấu… trên giấy. Cùng góp ý cho Đề án, hàng loạt đại biểu Quốc hội đều có chung đánh giá thẳng thắn rằng, Đề án mới chỉ dừng ở mức ý tưởng, chứ chưa đầy đủ, khái quát. Yếu tố dự báo tình hình là rất quan trọng, nhưng chưa thấy được đề cập. Trong thời gian tới, khi thực hiện Đề án, có gì thuận lợi, có gì khó khăn? Cũng chưa vạch ra được hướng đi cụ thể, chẳng hạn làm thế nào để các doanh nghiệp “thoát khỏi” tình cảnh nợ xấu hiện nay? Một đại biểu đặt vấn đề: không có bột thì không thể gột nên hồ, kiểu gì cũng phải tính toán được chi phí. Nếu không dự toán về tiền và nhân lực, liệu có phải là tư tưởng cứ thực hiện đến đâu thì đến? Ngành nào cũng tái cơ cấu, ngành nào cũng ưu tiên, không thấy có trọng tâm, có gì đột phá. Nhắc lại bài học về công tác dự báo trong những năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần có sự đồng bộ giữa Đề án và các chiến lược phát triển, các quy hoạch vùng, miền.

Băn khoăn và lo ngại về Đề án là tâm trạng của nhiều đại biểu Quốc hội. Mục tiêu lớn nhất của Đề án là phân bổ lại nguồn lực. Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, tái cơ cấu thể chế là quan trọng nhất và nguồn lực sẽ đi theo thể chế. Thể chế phải đi đầu trong tái cơ cấu, nhưng không đi một mình, đơn lẻ.