Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở (2):

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở, vừa qua Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 48 ngày 11-9-2020. Tiếp đến, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình trước Quốc hội về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực lượng công an cơ sở tăng cường bám dân, bám cơ sở giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân

Lực lượng công an cơ sở tăng cường bám dân, bám cơ sở giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân

Theo Dự thảo Luật, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách sẽ được sắp xếp thành một lực lượng với tên gọi chung là “lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, và được bố trí thành Tổ an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Dự thảo Luật chính là cơ sở để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đảng ta luôn xác định xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy do nhiều yếu tố cả về chủ quan và khách quan nên vẫn còn những khoảng trống lớn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Việc xảy ra các vụ tụ tập đông người, bạo loạn, phá rối an ninh và tình hình phức tạp về an ninh, trật tự ở các địa bàn, lĩnh vực trong thời gian qua là một minh chứng rõ nét.

Có thể kể đến như vụ nông dân Thái Bình khiếu kiện diễn ra ở hầu hết các xã năm 1997 - 1999; vụ bạo động ở Tây Nguyên tháng 2-2002 và tháng 4-2004; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) năm 2012; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012; vụ đòi lại đất liên quan đến tôn giáo tại giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) năm 2011; vụ tập trung người Mông trái phép ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) năm 2011; vụ gây rối ở tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai năm 2014; các vụ việc ở giáo phận Vinh (tỉnh Nghệ An), lợi dụng sự cố môi trường biển của dự án Formosa (tỉnh Hà Tĩnh), tụ tập đông người, gây rối từ tháng 4-2016 đến năm 2017; vụ kích động gây rối tại Phan Rí, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) tháng 6-2018. Và mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội… Ngoài ra, còn một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người mà hầu hết đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn xuất phát từ cơ sở.

Bên cạnh đó, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước; chia rẽ nhân dân với lực lượng Công an; lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, vấn đề tôn giáo, dân tộc để kích động chống phá. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; còn có biểu hiện mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch. Còn có tư tưởng cho rằng bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an nên thiếu sự chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp, tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng; dẫn tới bị động, lúng túng trong xử lý, giải quyết vụ việc phức tạp nảy sinh.

Có thể thấy, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên là do công tác tổ chức thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở còn nhiều bất cập. Công tác chỉ đạo, chỉ huy tổ chức chưa tập trung, thiếu thường xuyên liên tục; chưa được cụ thể hóa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, đơn vị; thiếu sự thống nhất về tổ chức, bố trí lực lượng chuyên trách cần thiết tham gia. Sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở còn bộc lộ những hạn chế trong cả nhận thức và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo của Đảng liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, đặc biệt là an ninh, trật tự tại cơ sở chưa được triển khai có chiều sâu.

Trước tình hình đó, để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở nói riêng, và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định, cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào một luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự .

Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Bảo đảm sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Như vậy, cùng với chủ trương đưa Công an chính quy về xã đã được thực hiện trong thời gian qua, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở mà còn là bước quan trọng để xây dựng, củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân tham mưu và là nòng cốt thực hiện.

“Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, trọng tâm là ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào theo tôn giáo, các nhà trường, khu kinh tế tập trung và các đô thị lớn. Chú trọng chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở. Động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… an toàn về an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có chính sách thỏa đáng khi bị thương, hy sinh, hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

(Trích Chỉ thị số 09/CT/TW của Ban Bí thư (Khóa XI) ngày 1-12-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới)

Thượng tướng Bùi Văn Nam (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an): Ðẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

“Có thể khẳng định trong thời gian qua, với cơ chế Ðảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức điều hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, do lực lượng Công an làm nòng cốt; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã trở thành một nội dung quan trọng trong công tác tổ chức vận động quần chúng của Ðảng, luôn gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng khác do Ðảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, từ Trung ương đến địa phương phát động; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc...

Phải tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của chính quyền đối với công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền là cơ quan chịu trách nhiệm về lãnh đạo, tổ chức xây dựng phong trào; đề ra chủ trương, biện pháp, hình thức và chỉ đạo các hoạt động của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; gắn kết phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào cách mạng khác do Ðảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương phát động; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phong trào; thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng và nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động cán bộ và nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ðẩy mạnh tuyên truyền đường lối, quan điểm của Ðảng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, các chế độ, thể lệ, nội quy, quy tắc, nhiệm vụ, yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự của đơn vị, địa phương. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cách mạng cho nhân dân trước những âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; các phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả tác hại của tội phạm, tệ nạn xã hội. Hướng dẫn cho nhân dân phương pháp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, các tổ chức quần chúng và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong sạch, vững mạnh...”.

Sự phối hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Ảnh: Lam Thanh

Sự phối hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Ảnh: Lam Thanh

Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, công tác vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp cơ bản, quan trọng, có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa chiến lược, lâu dài. Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược về an ninh quốc gia.

Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” là tiếp nối những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng qua các thời kỳ; đề cập nhiều vấn đề quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân tích cực, tự giác tham gia phong trào.

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, cảnh giác và đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động kích động, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Phong trào đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn ma túy; phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý giáo dục, cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Phong trào đã gắn kết với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào hành động cách mạng; nhiều mô hình điển hình trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng và phát huy hiệu quả; qua đó, đã góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, trong sạch, vững mạnh, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của nhân dân.

(Còn tiếp)

Bài 3: Kiện toàn chi bộ Công an xã chính quy, đưa chủ trương của Đảng gần với công tác bảo vệan ninh, trật tự cơ sở