Từ vụ Công an Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng tấn thực phẩm chức năng giả:

Thấy “lỗ hổng”, có “bịt” được không?

ANTĐ - Vụ việc phát hiện hàng tấn thực phẩm chức năng giả liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech (trụ sở tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), và quầy giao dịch của công ty tại Trung tâm phân phối Dược phẩm và Thiết bị y tế (số 1 đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã cho thấy “lỗ hổng” lớn về công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng đặc biệt này.
Thấy “lỗ hổng”, có “bịt” được không? ảnh 1

Thực phẩm chức năng giả bị Công an Hà Nội thu giữ ngày 5-6

Kiểm tra theo tin báo

Ngay từ thời điểm hoạt động trong khuôn viên Triển lãm Giảng Võ, rồi chuyển về phố Nguyễn Huy Tưởng, Trung tâm phân phối Dược phẩm và Thiết bị y tế (thường được gọi là chợ thuốc) luôn được cơ quan chức năng xác định là tụ điểm phải phòng ngừa, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại. Chỉ huy Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, không nhiều nước trên thế giới có mô hình “chợ thuốc” như ở ta vì tại nhiều quốc gia không có chợ, việc mua bán thuốc tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc: có đơn của bác sỹ!

Ghi nhận một thực tế là từ sau thời điểm chuyển địa điểm kinh doanh, chợ thuốc ở Nguyễn Huy Tưởng có sự cải tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng. Với 5 tầng giao dịch, mỗi tầng khoảng 50 quầy, đi lại có hệ thống thang máy và đội ngũ nhân viên bảo vệ (chủ yếu giữ gìn ANTT) trong và xung quanh khuôn viên chợ khá quy củ. Tuy nhiên trong cách nhìn nhận của nhiều cán bộ quản lý mà chúng tôi tiếp xúc, chợ thuốc ở đường Nguyễn Huy Tưởng cũng giống như… những khu chợ nông sản hay điện máy khác.

Một bên có mặt bằng cho thuê và phía kia là những người có nhu cầu thuê mặt bằng để kinh doanh. Chợ thuốc ở Nguyễn Huy Tưởng có BQL, nhưng ban này thuần túy “quản” về mặt hành chính, chứ không có chức năng và trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm giao dịch. Theo Thượng tá Thành Kiên Trung - Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội, công tác quản lý, ngăn chặn, đấu tranh với các sai phạm liên quan đến sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng tại khu chợ này, thuộc về cơ quan công an, quản lý thị trường và ngành Y tế!

Danh nghĩa là thế, nhưng các lực lượng nêu trên thường không cử người làm nhiệm vụ hàng ngày tại chợ. Và nói như chỉ huy Đội QLTT số 1, những vụ việc kiểm tra, phát hiện chủ yếu theo tin báo tố giác, hoặc phản ánh của đơn vị có sản phẩm bị xâm hại.

Triệt nguồn hàng giả trên thị trường

Thuốc hay thực phẩm chức năng giả, trước khi đưa được vào chợ thuốc ở đường Nguyễn Huy Tưởng để giao dịch, đều phải qua quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường hay ở các cơ sở, nhà xưởng. Điều này thấy được trong vụ việc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech, với điểm tập kết sản phẩm giả tại kho và văn phòng, ở quận Hà Đông.

Một vụ việc khác bị phát hiện hồi đầu năm 2015 vừa rồi, liên quan đến đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả từ Bắc Ninh về Hà Nội.

 Từ manh mối kiểm tra chiếc xe ô tô trên phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, phát hiện 170 hộp sữa ong chúa dán nhãn Costa/Royal Jelly của nước ngoài có dấu hiệu làm giả; cơ quan chức năng đã triệu tập một loạt đối tượng, đồng thời khám xét khẩn cấp 5 kho hàng tại chợ đầu mối Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh và 3 điểm sản xuất thực phẩm chức năng có dấu hiệu giả mạo. Kết quả đã thu giữ tổng cộng hơn 10 tấn thực phẩm chức năng giả gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen; cùng nhiều tem, nhãn, vỏ lọ; 6 máy sản xuất thực phẩm chức năng... Đối tượng sản xuất khai mỗi lọ thực phẩm chức năng loại 200 gam bán ra thị trường từ  200-300.000 đồng, chỉ tương đương vài phần trăm so với giá sản phẩm của chính hãng. 

Để công tác ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh với thuốc và thực phẩm chức năng giả đạt hiệu quả, theo chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an Hà Nội, phải có sự đồng bộ trên hai mặt trận: các tụ điểm giao dịch và cơ sở sản xuất, nhập khẩu. Đối với chợ thuốc ở đường Nguyễn Huy Tưởng, nên chăng thành lập mô hình Trung tâm tư vấn về hàng hóa, với nhân viên là đại diện các hãng thuốc, thực phẩm chức năng.

Đội ngũ nhân viên sẽ tư vấn cho khách hàng về sản phẩm và kết nối thông tin với các cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn. Cùng với đó, các lực lượng, địa bàn phải tăng cường công tác nắm tình hình, trinh sát để kịp thời phát hiện nghi vấn ở những doanh nghiệp liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng. Đấu tranh, ngăn chặn hàng giả là câu chuyện dài; nhưng với thuốc, thực phẩm chức năng, tuyệt đối không để tình trạng này tiếp diễn.

Cần thiết, phải giám định ADN
Theo chỉ huy Đội Giám định hóa - Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội, trên nhãn mác sản phẩm thể hiện sản phẩm chức năng là nhau thai cừu hay sữa ong chúa; song sản phẩm đó có thực sự là nhau thai hay sữa ong chúa không, còn cần phải qua giám định, thậm chí là tiến hành kiểm tra ADN, đặc biệt với những sản phẩm xách tay không rõ nguồn gốc. Giám định ADN để xem nguyên liệu chế nên sản phẩm là thứ gì; nếu là nhau thai thì có đủ hàm lượng như công bố trên nhãn mác sản phẩm không. Trường hợp nếu không phải nhau thai, thì người tiêu dùng rõ ràng bị lừa, chưa kể những rủi ro về sức khỏe, tính mạng có thể xảy ra. 
H.M