Thấy gì khi tân thủ tướng Anh điện đàm với lãnh đạo nước ngoài đầu tiên là ông Zeleynsky

ANTD.VN -  Trong cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị mới với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zeleynsky, bà Liz Truss khẳng định Kiev có thể dựa vào sự hỗ trợ của Anh trong dài hạn.
Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã cam kết ủng hộ hoàn toàn Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày 6/9.
"Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine kể từ khi trở thành thủ tướng, bà Truss tái khẳng định hoàn toàn ủng hộ ông Zelensky, và Ukraine có thể dựa vào sự trợ giúp của Vương quốc Anh trong dài hạn", một phát ngôn viên cho biết.
Họ cũng thảo luận về "sự cần thiết tăng cường an ninh toàn cầu và các biện pháp để cắt nguồn tài chính giúp Nga duy trì chiến sự", phát ngôn viên nói.
Anh là đồng minh trung thành của Ukraine kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2. London đã cung cấp khí tài quân sự, viện trợ và đào tạo cho các lực lượng của Kiev.
Điện Kremlin cho biết Nga không trông đợi bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng với Anh dưới thời tân thủ tướng Liz Truss.

"Thành thật mà nói, đánh giá những tuyên bố của bà Truss khi còn là ngoại trưởng và ứng viên thủ tướng, có thể khẳng định chắc chắn rằng sẽ không có thay đổi nào theo hướng tốt hơn", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, đề cập triển vọng mối quan hệ Nga - Anh dưới thời tân Thủ tướng Liz Truss.

Ông Peskov từ chối bình luận liệu Tổng thống Vladimir Putin có định chúc mừng chiến thắng của bà Truss hay không, nói rằng phóng viên nên hỏi chính Tổng thống.

Bà Truss, 47 tuổi, được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh hôm 5/9 sau cuộc chạy đua hai tháng với một số đối thủ, bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak.

Bà đã chính thức nhậm chức vào hôm 6/9 khi yết kiến Nữ hoàng Elizabeth.

Quan hệ Nga - Anh đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Dưới thời ông Boris Johnson, Anh là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào quốc gia này.
Bà Truss có quan điểm cứng rắn với Nga và được cho là sẽ tiếp tục chính sách đối đầu mạnh mẽ với Moscow.
Tân Thủ tướng Anh từng cam kết sẽ giải mật thêm thông tin tình báo để "vạch trần những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại phương Tây".

Hồi tháng 6, bà tuyên bố "các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine đều là chiếm đóng phi pháp".

Trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên thủ tướng ngày 25/7, bà Truss cũng tuyên bố sẵn sàng đối mặt trực tiếp với Tổng thống Putin tại hội nghị G20 ở Bali tháng 11.
Cuối tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh, cơ quan bà Truss đứng đầu, cho rằng Nga "không có tư cách đạo đức" tham dự G20 do chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cùng ngày 7/9, bà Liz Truss cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó bà nhấn mạnh mong muốn cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề kinh tế do chiến sự ở Ukraine.

"Họ đồng ý rằng quan hệ đối tác giữa hai quốc gia, được củng cố bởi các giá trị chung, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ và thúc đẩy tự do, dân chủ trên thế giới", một phát ngôn viên của Phố Downing cho biết.