Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch

ANTD.VN -Sáng nay, 19-12, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017. Hội nghị đã diễn ra tại Hà Nội dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 58 đầu cầu trên cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chủ trì Hội nghị.

Ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác”. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam. Nghị quyết 08- NQ/ TW là văn kiện có ý nghĩa cực kì quan trọng, là một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của ngành Du lịch.

Chính sách cởi mở, thích ứng linh hoạt

Giai đoạn 2020-2022, đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu gây ra những tác động nghiêm trọng đối với ngành du lịch trên toàn thế giới, trong đó có ngành du lịch tại Việt Nam. Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc xin” phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với cùng kỳ 2020.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chủ trì Hội nghị

Năm 2022 dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên, Việt Nam chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP (ngày 15/3/2022) về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước.

Theo đó khách quốc tế từ các quốc gia này có thể nhập cảnh Việt Nam bắt đầu từ ngày 15/3/2022. Với những chính sách cởi mở, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới đã mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành Du lịch. Năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, vẫn giảm 81% so với năm 2019. Đến năm 2024, ngành Du lịch đã đón hơn 17 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng, bằng số lượng khách của năm 2019.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ban hành ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng và Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hội nghị là một bước trong quá trình đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 08 và thực thi Luật Du lịch. Từ đó, tiếp tục đề ra chủ trương chính sách, quan điểm về phát triển du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đây cũng là dịp để nhìn nhận rõ hơn về những bất cập, khó khăn cùng những vướng mắc trong quá trình phát triển. Tham mưu cho Nhà nước để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để tạo nguồn lực, thúc đẩy phát triển du lịch. Dự kiến, trong nhiệm kỳ Quốc hội 2026- 2031 sẽ tiến hành sửa Luật Du lịch, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho du lịch phát triển.

Du lịch hiện đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước

Du lịch hiện đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Cùng với sự phục hồi "thần kỳ" sau khủng hoảng dịch Covid-19, trong những năm qua, du lịch Việt Nam liên tục đạt được những giải thưởng quốc tế quan trọng, được vinh danh “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ 4 liên tiếp trở thành “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Các địa phương có thế mạnh về du lịch cũng liên tiếp đón nhận được những tin vui.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ nhận định, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Ở thời điểm hiện tại, sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn. Các loại hình du lịch mới cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua theo xu thế, đáp ứng nhu cầu của thị trường như du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, caravan, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế, du lịch ẩm thực, du lịch thiện nguyện, du lịch tín ngưỡng ....

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn

Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế. Du lịch MICE (du lịch hội thảo) trở thành thương hiệu thu hút khách quốc tế của Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại một số tỉnh Tây Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang dần trở thành điểm đến của loại hình du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó nhiều giá trị lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận đã được khai thác để hình thành các sản phẩm đặc trưng thương hiệu. Tập trung phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch thông minh, du lịch số,...

Trước đây, đầu tư vào lĩnh vực vui chơi giải trí là thử thách lớn đối với du lịch ở Việt Nam do đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, chuyển giao công nghệ hiện đại cả trong quá trình đầu tư và vận hành. Xu thế thay đổi nhanh đòi hỏi liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng... Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về lượng khách du lịch, tiềm lực và chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư đã có sự thay đổi dẫn đến sự chuyển biến vượt bậc của loại hình vui chơi giải trí này. Bên cạnh nhiều tổ hợp vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế được hình thành tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Sa Pa...

Ẩm thực Việt Nam hấp dẫn du khách

Điều kiện giao thông được cải thiện rõ rệt về hạ tầng và phương tiện đặc biệt là nâng cấp, mở rộng các sân bay, máy bay, hệ thống đường bộ. Hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Tính đến nay có 71 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam khai thác gần 140 đường bay quốc tế đi/đến 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Đối với thị trường nội địa, các hãng hàng không của Việt Nam khai thác trên 50 đường bay nội địa đi/đến các địa phương. Hình thành hệ thống mạng lưới đường cao tốc quốc gia nhằm đảm bảo kết nối các khu vực trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và tăng khả năng thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thuỷ, hiện nay, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.

“Để tháo gỡ những khó khăn hạn chế trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thuỷ nêu.

Luật Du lịch cần phù hợp thực tế, song hành với phát triển

Tại hội nghị, cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã đóng góp cho Luật Du lịch 2017.

Luật Du lịch năm 2017 được Quốc hội thông qua thông qua ngày 19/6/2017 đã đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa chủ trương, chính sách phát triển của Đảng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng được nhu cầu và tiến trình phát triển hội nhập của đất nước.

Những sắc màu văn hoá Việt Nam gây ấn tượng với du khách

Sau 07 năm triển khai thực hiện, hệ thống pháp luật du lịch nhìn chung đã thể hiện sự linh hoạt, cập nhật kịp thời các quy phạm phù hợp với luật chung và phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch. Việc ban hành văn bản thể hiện sự khoa học và trình độ hóa cao, thông qua việc một văn bản ra đời thay thế cho nhiều văn bản...

Khẳng định rõ vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo môi trường du lịch phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật trong thực tiễn cùng với yêu cầu phát triển, sự thay đổi của xu thế thị trường đã tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia, một số nội dung chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nên các địa phương khó khăn trong công tác quản lý, hướng dẫn thực hiện như: Mô hình kinh tế du lịch chia sẻ; bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch; hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn.

Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn với quy định pháp luật khác có liên quan như: chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.

Fasipan điểm đến không thể bỏ qua khi đến Việt Nam

Một số nội dung Luật Du lịch năm 2017 chưa điều chỉnh gây khó khăn trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch như: chưa điều chỉnh đối với các đơn vị kinh doanh theo mô hình khu, điểm du lịch; chưa quy định về phân cấp quản lý nhà nước về du lịch cho UBND và cơ quan chuyên môn cấp huyện; chưa điều chỉnh loại hình kinh doanh phức hợp...

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, quy định trong Luật liên quan đến “Chính sách phát triển du lịch” hiện chưa được thực hiện trên thực tế nên chưa thực sự huy động được mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để đảm bảo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các điều kiện công nhận điểm du lịch cấp Thành phố, khu du lịch cấp Thành phố được quy định tại Điều 23, Điều 25 của Luật Du lịch còn mang tính chất khung, không có các tiêu chí, thang điểm cụ thể cho từng nhóm, vì vậy dẫn đến khó khăn trong việc lượng hóa khi thẩm định công nhận khu, điểm du lịch cấp Thành phố…

Tại hội nghị, lãnh đạo quản lý du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An… cùng nhiều doanh nghiệpcũng đã có đóng góp thiết thực cho việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch 2017, tạo cơ chế pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đúng với tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TƯ.