Thách thức phía trước

ANTĐ - Trong khi rất nhiều nước tư bản phát triển lâm vào các cuộc khủng hoảng trầm trọng từ năm 2008 tới nay thì nhiều quốc gia đang phát triển đã gặt hái được những thành tựu đáng kể. Không phải vì thế, các nước đang phát triển có thể xem nhẹ những thách thức lớn phía trước.

UNCTAD khuyến cáo các nước đang phát triển không nên quá phụ thuộc vào vốn FDI

Phát biểu ngày 9-5 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), nhà kinh tế hàng đầu của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) Richard Kozul-Wright cảnh báo, các nước đang phát triển hiện đang phải đối mặt với những thách thức chính sách, thậm chí còn nghiêm trọng hơn thập kỷ qua. Ông Kozul-Wright cho rằng, sẽ là sai lầm nếu cho rằng các động lực thị trường toàn cầu tiếp tục làm gia tăng sự thịnh vượng và thúc đẩy đường lối phát triển kinh tế hiện nay vốn đã mang lại thành tựu tăng trưởng kinh tế nhanh kể từ năm 2002 cho các nước đang phát triển.

Lời cảnh báo của chuyên gia kinh tế hàng đầu của UNCTAD được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang kỳ vọng vào các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), làm động lực, đầu tàu kéo kinh tế thế giới thoát khỏi hết khủng hoảng rồi đến suy thoái từ năm 2008 tới nay. Dù cũng bị lao đao trong giai đoạn đầu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song kinh tế các nước đang phát triển mới nổi đã phục hồi khá nhanh chóng, bất chấp sự “bết bát” của hầu hết các nước phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi đều duy trì ở mức khoảng 7% mỗi năm, trong đó Trung Quốc vẫn giữ ở mức rất cao là trên dưới 10%/năm. Sở dĩ các nước đang phát triển mới nổi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao là do dòng vốn đầu tư (FDI) vào các nước này vẫn duy trì ở mức cao, thúc đẩy sự phát triển ở thị trường trong nước đi đôi mở thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh thị trường xuất khẩu Mỹ và châu Âu tiếp tục giữ ổn định...

Tuy nhiên, những nhân tố giúp kinh tế các nước đang phát triển tăng trưởng ổn định đang trở nên kém tích cực hơn. Chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” phổ biến tại các nước phát triển phương Bắc sẽ dẫn tới sự hạn chế của cả dòng vốn FDI lẫn thị trường xuất khẩu của các nước đang phát triển phương Nam.

Nhà kinh tế Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng, dù hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đều tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phương Bắc, song đang có dấu hiệu suy giảm mạnh. Rõ ràng nhất là trường hợp Brazil khi kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 2,7% năm 2011, giảm hơn 50% so với năm 2010, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải giảm dự báo tăng trưởng năm 2012 của các nền kinh tế mới nổi từ mức 6,2% năm 2011 xuống mức 5,4%. 

Để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng, theo UNCTAD, các nước đang phát triển không thể chỉ trông chờ vào môi trường bên ngoài (vốn và thị trường xuất khẩu) mà phải có chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng ra ngoài các mục tiêu hạn hẹp về tiền tệ hoặc lạm phát. Các chính sách công nghiệp cần hỗ trợ mở rộng sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, khai thác được nguồn tri thức và tiến bộ kỹ thuật cao nhất. Bên cạnh đó cũng rất cần cải cách chính sách xã hội để giảm thiểu bất bình đẳng xã hội gia tăng trong những thập kỷ gần đây đã làm biến dạng nền kinh tế và gây bất ổn chính trị ở nhiều nước đang phát triển.