Thách thức ghế nóng

(ANTĐ) - Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giữ chức vụ Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chiếc ghế nóng bỏ trống kể từ khi ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt giữ trung tuần tháng 5 vừa qua vì bê bối tình dục.
Thách thức ghế nóng ảnh 1
Cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc một trong hai định chế tài chính lớn nhất thế giới giữa bà Lagarde và ông Agustin Carstens, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, không gay cấn như dự báo. Bà Lagarde đã chiến thắng khá dễ dàng khi giành được sự ủng hộ của đại đa số thành viên Hội đồng chấp hành IMF so với 4/24 phiếu ủng hộ ông Carstens của Mexico, Argentina, Canada và Australia. Với sự ủng hộ của dư luận thế giới muốn phá bỏ luật bất thành văn “người Mỹ và người châu Âu chia nhau nắm giữ chức vụ cao nhất tại Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF”, ông Carstens đã tỏ ra là một đối thủ rất nặng ký. Thế nhưng, vào phút chót khi Hội đồng chấp hành IMF gồm 24 thành viên bỏ phiếu lựa chọn tân Tổng giám đốc ngày 28-6, người ta mới thấy ông Carstens thực ra chỉ là “quân xanh” trong cuộc bầu cử mà người châu Âu đã nắm chắc phần thắng. Thử thách đầu tiên với bà Lagarde trong nhiệm kỳ 5 năm chính là cùng với khu vực kinh tế đồng Euro (Eurozone) giải cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng nợ công vô cùng tồi tệ. Tiếp đó là một loạt quốc gia khác ở châu Âu như Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha... mà chỉ cần một trong các mắt xích yếu này bị đứt sẽ trở thành quân bài domino đầu tiên sụp đổ, dẫn tới cuộc khủng hoảng dây chuyền trong không chỉ Eurozone. Là người châu Âu, hơn nữa lại là Bộ trưởng Kinh tế Pháp nên tân Tổng giám đốc IMF nắm khá rõ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay cũng như cách thức giải cứu. Đó là lý do mà thế giới, nhất là châu Âu, đang trông đợi Lagarde đóng “vai trò quyết định” trong “các vấn đề kinh tế và tiền tệ của châu Âu”. Nhìn về lâu dài, tân Tổng giám đốc IMF sẽ phải nỗ lực thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính toàn cầu nhằm giải quyết một trong những căn nguyên sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Trong đó, IMF cũng cần phải có những cải cách để làm sao phản ánh được sức mạnh đang lên của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Đây cũng chính là những quốc gia đi đầu trong đòi hỏi phá vỡ luật bất thành văn “người Mỹ đứng đầu WB, người châu Âu đứng đầu IMF” thời gian qua. Hoàn toàn thấy rõ những thách thức đang chờ đón mình trên cương vị người đứng đầu IMF, bà Lagarde tỏ ra khá dè dặt sau khi đắc cử khi chỉ khẳng định rằng mục tiêu của bà là phục vụ tốt tất cả các thành viên của định chế cho vay toàn cầu này.