Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

“Thả” giá điện, người tiêu dùng sẽ thiệt

ANTĐ - Ngày 28-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá. Một số ý kiến cho rằng, chưa thể “thả nổi” giá bán lẻ điện bởi nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.

Không có cơ quan kiểm soát giá điện độc lập,

người tiêu dùng sẽ phải đối diện nguy cơ giá điện bị đẩy lên cao


Thận trọng với việc lập quỹ

Đặc biệt quan tâm tới giá bán lẻ điện, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước còn phải định giá điện. Ông nói: “Thả cái này ra sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng ngay. Giả sử để mặc cho ngành điện định giá thì chắc chắn sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp...”. Cùng mối lo, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị xem xét kỹ thêm các quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ. “Bởi nếu Quốc hội thống nhất các loại giá đó ở đây (tại Luật Giá - PV) thì đương nhiên chúng ta chấp nhận rất nhiều giá đối với các khâu truyền tải, phân phối và phát điện. Khi đó, người tiêu dùng sẽ phải đối diện với nguy cơ giá bán lẻ điện bị đẩy lên cao”.

Nhắc “bài học” phí sử dụng đường bộ, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) tỏ ra thận trọng với việc cho phép lập các loại quỹ: “Chỉ với một khoản về lập quỹ bảo trì đường bộ nhưng khi thực hiện thấy nổi lên rất nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Dân không đồng thuận với các khoản phí. Cho nên, nếu Quốc hội quyết định cho phép thành lập các quỹ bình ổn giá thì phải làm rất rõ từng trường hợp cụ thể...”. 

Lợn ăn cám “ngoại” thì bình ổn kiểu gì?

Theo bản dự thảo lần cuối, 10 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá gồm xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định. Tuy vậy, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) vẫn thấy “quy định về điều kiện bình ổn giá quá mông lung”. Ông cho rằng, phải quy định chặt chẽ hơn và có phân cấp rõ ràng chứ không thể chung chung.

 

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, Bộ Tài chính nên báo cáo Quốc hội về hiệu quả của Quỹ bình ổn xăng dầu để Quốc hội có thể an tâm về biện pháp bình ổn giá. Tuy vậy, ĐB Trần Du Lịch cũng nói: “Đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá nếu như kinh tế vĩ mô bất ổn. Chúng ta là nước nông nghiệp, song, con lợn của ta ăn toàn hàng ngoại, ngay từ thức ăn chăn nuôi gia súc. Công ty nước ngoài còn độc quyền mấy loại hàng hóa đó thì vấn đề ở chỗ khác chứ không phải chúng ta muốn bình ổn giá mà được...”.

ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đồng tình: “Sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối thị trường nên nếu có trong danh mục cũng khó bình ổn được. Điều quan trọng là có chính sách khuyến khích lập hệ thống phân phối, phát triển để vận hành theo thị trường”.