Tên lửa chống tăng Stugna-P Ukraine thể hiện sức mạnh thực chiến

ANTD.VN - Vì sao tên lửa chống tăng Stugna-P Ukraine lại chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường cao đến vậy là điều giới phân tích quân sự đang cố gắng tìm hiểu.

Bất chấp việc bị "dìm hàng" không thương tiếc từ báo chí Nga trước khi cuộc chiến bắt đầu, tên lửa chống tăng (ATGM) Stugna-P Ukraine đã cho thấy hiệu quả không ngờ, thậm chí còn vượt xa 9M133 Kornet nổi tiếng của Nga.

Hệ thống ATGM này sử dụng phương thức dẫn đường bằng laser, có khả năng xuyên thủng vỏ giáp dày và cự ly tác chiến lớn, Điều tuyệt vời về Stugna-P là bệ phóng có thể được bố trí ở một nơi, trong khi người điều khiển ẩn mình cách xa tới 50 m.

Tên lửa được kích hoạt từ xa thông qua thiết bị điều khiển trông giống như một máy tính xách tay. Xạ thủ không lo bị phản kích. Sau khi phóng, xe tăng Nga thậm chí không bao giờ biết thứ gì đã bắn trúng mình.

Đây là tính năng nổi bật của Stugna-P, ngoài việc hình ảnh được ghi lại một cách rõ ràng phục vụ cho mục đích tuyên truyền thì nó còn giúp người bắn có tâm lý ổn định hơn nhiều khi thực hiện thao tác điều khiển.

So sánh với tên lửa Kornet của Nga, sử dụng công nghệ bám chùm laser tương tự, xạ thủ phải luôn "dán mắt" vào thiết bị ngắm ở bệ phóng, anh ta phải chú ý xung quanh đề phòng chiến xa đối phương nhận thấy nguồn laser chiếu vào mình và phản kích.

Thực tế chiến trường Syria cho thấy đã có không ít xạ thủ Kornet của Nga phải bỏ mục tiêu khi nhận thấy nguy cơ, hoặc dẫn tới thao tác thiếu chính xác, hay tệ hơn là thương vong khi đối phương phản kích.

Tên lửa Stugna-P được đưa vào trang bị cho Quân đội Ukraine từ năm 2011. Hiện có khoảng 100 bệ phóng làm nhiệm vụ tác chiến. Cục thiết kế Luch hiện không thể chế tạo chúng đủ nhanh, bất chấp thực tế cho thấy đây là vũ khí rất tin cậy và lợi hại.

Tên lửa có tầm bắn từ 100 - 5.000 m. Thời gian bay từ vài giây đến 25 giây tùy thuộc vào cự ly của mục tiêu. Đầu đạn của tên lửa có thể là loại nổ lõm hoặc nhiệt áp, nó có thể xuyên qua giáp phản ứng nổ, đục thủng tới 800 mm thép đồng nhất (RHA).

Thiết bị phóng có trọng lượng 32 kg và phải được đặt trên giá ba chân, nó có một máy ngắm ảnh nhiệt với đơn vị hướng dẫn truyền hình độ phân giải cao, giúp theo dõi chính xác mục tiêu.

Cơ chế điều khiển nằm trong máy tính xách tay với cần lái, cho phép người lính dẫn hướng tên lửa bằng tay hoặc để nó ở chế độ bắn và quên thông qua việc bám chùm laser một cách tự động.

Độ tin cậy của Stugna-P còn được thể hiện rõ trong trận chiến mới đây, khi loại ATGM này thậm chí còn được sử dụng để bắn hạ một trực thăng tấn công Ka-52 của Nga, đây là điều mà Kornet chưa thể thực hiện thành công.

Đáng chú ý là để tránh hệ thống cảnh báo bị chiếu tia laser của trực thăng, trắc thủ lái ATGM đã phải ngắm lệch mục tiêu và chờ đạn bay gần tới nơi mới hướng thiết bị ngắm vào thẳng đối tượng cần tiêu diệt.

Thao tác này sẽ rất khó mang lại thành công nếu không có hệ thống dẫn đường đủ nhạy và tin cậy, đồng thời bản thân tên lửa cũng phải có khả năng cơ động cao trong thời gian ngắn.

Với màn thể hiện xuất sắc trên chiến trường, tên lửa chống tăng Stugna-P do Ukraine chế tạo được đánh giá sẽ chiếm lĩnh thị phần của Kornet, nhất là sau khi nhiều biện pháp cấm vận khắc nghiệt hơn được áp đặt lên Nga.