Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine - ông Oleksiy Reznikov đã thông báo một điều vô cùng thú vị, đó là sắp tới lực lượng vũ trang nước này sẽ nhận được các tên lửa chống radar bí mật chưa từng được nhắc tới trước đó.
"Trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 270 triệu USD vừa được Mỹ công bố, chúng tôi sẽ nhận được thêm 4 tổ hợp M142 HIMARS và cả một loại tên lửa chống radar đặc biệt mà trước đây chưa từng xuất hiện".
"Vũ khí trên sẽ cho phép chúng tôi tiêu diệt hiệu quả các hệ thống radar của đối phương, làm 'mù mắt/ kẻ thù để giành lợi thế cho những cuộc phản công sắp diễn ra”, Bộ trưởng Oleksiy Reznikov nhấn mạnh.
Theo thông tin được báo chí đăng tải, các tổ hợp HIMARS với đạn bổ sung, 36.000 viên đạn pháo 105 mm, vũ khí chống tăng và hơn 580 máy bay không người lái cảm tử Phoenix Ghost đã được liệt kê trong gói viện trợ mới.
Mặc dù UAV Phoenix Ghost chính xác nhằm mục đích tiêu diệt các đài radar của đối phương, nhưng nó chắc chắn không phải là một tên lửa. Do đó, lựa chọn duy nhất vẫn là một loại đạn mới dành cho HIMARS.
Tuy nhiên danh pháp công khai của loại đạn cho hệ thống HIMARS vẫn gây thắc mắc, bởi không có bất kỳ đề cập nào về biến thể của tên lửa GMLRS với đầu đạn chống radar, chúng chỉ sử dụng hệ thống dẫn đường tọa độ.
Tuy vậy cần đề cập đến một đơn đặt hàng vào năm 2018 của Quân đội Mỹ để phát triển và tích hợp hệ thống dẫn đường chống radar vào tên lửa GMLRS. Thời hạn hoàn thành được xác định vào năm 2021 - 2023.
Công việc trên được thực hiện bởi Tập đoàn Northrop Grumman, hay đúng hơn là công ty Orbital ATK của họ, đơn vị này đã tham gia vào việc chế tạo tên lửa chống radar phóng từ trên không AGM-88E AARGM.
Lục quân Mỹ rõ ràng cần tên lửa chống radar mặt đất của riêng mình càng đơn giản càng tốt, họ phải có khả năng tiêu diệt radar của đối phương một cách độc lập, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào không quân.
Tính đến thời gian làm việc ngắn và kinh nghiệm sẵn có với AGM-88E AARGM, rất có thể tên lửa M31 đã được lắp một khối điều chỉnh từ loại đạn đặc biệt này, hoặc thậm chí đơn giản hóa đi một chút.
Theo giới chuyên gia, khả năng chủ động lọc nhiễu cũng như phân tích bức xạ và tự động phân loại nhờ vào cơ sở dữ liệu được nhúng trong bộ nhớ của đầu dò giúp AGM-88E trở nên cực kỳ đáng gờm.
Ngoài ra tên lửa AGM-88E vẫn giữ nguyên hệ thống dẫn đường quán tính và vệ tinh, tức là sau khi bắt được mục tiêu, dù đối phương đã vô hiệu hóa radar thì tên lửa vẫn bay đến tiêu diệt đối tượng theo tọa độ.
Nhưng đó chưa phải tất cả, bởi vì đầu dò không chỉ có thể hoạt động ở chế độ thụ động mà có thêm kênh chủ động. Nghĩa là nó độc lập thực hiện việc di chuyển đến mục tiêu, cũng như tiêu diệt ngay cả các đối tượng đang di chuyển.
Điều này đồng nghĩa với việc những tổ hợp phòng không Nga như Tor hay Pantsir cũng sẽ trở thành mục tiêu. Hơn nữa, nó còn có thể được biến thành một tên lửa chống hạm.
Phiên bản AARGM-ER đã được tạo ra trên cơ sở AGM-88E, mục đích chính của sự phát triển là tăng tầm bắn, vì vậy sơ đồ khí động học của tên lửa đã thay đổi và động cơ được mở rộng, từ đó cự ly tác chiến tăng lên 300 km (trong trường hợp phóng từ trên không) và tốc độ trên Mach 4.
Và điều thú vị nhất - vào năm 2018, Tập đoàn Northrop Grumman đã công bố việc phát triển phiên bản mặt đất của tên lửa AARGM-ER - SLAARGM (Surface-Launched AARGM).
Có nghĩa là các khả năng của hai loại tên lửa chống radar này về cơ bản là như nhau (ngoại trừ phạm vi luôn ngắn hơn trong trường hợp phóng từ mặt đất).
Tuy vậy theo kế hoạch, loại tên lửa chống radar đặc biệt này chỉ được bàn giao cho Quân đội Mỹ vào năm 2023.
Nhưng vào thời điểm hiện nay, công việc nghiên cứu được cho là đã hoàn thành, bao gồm cả hạng mục tích hợp tên lửa GMLRS của M142 HIMARS với đầu dò chống radar của SLAARGM.
Do vậy không loại trừ khả năng Mỹ sẽ mượn chiến trường Ukraine làm nơi thử nghiệm vũ khí thế hệ mới, tương tự như cách mà Nga đang triển khai, loại tên lửa chống radar mà Ukraine sẽ nhận hoàn toàn có thể là GMLRS lắp đầu dò của SLAARGM.