Tên lửa chống hạm nhanh nhất thế giới Nga chỉ bán cho Trung Quốc có gì nguy hiểm?

ANTD.VN - Hải quân Trung Quốc là lực lượng duy nhất trên thế giới được Nga cung cấp tên lửa chống hạm siêu âm P-270 Moskit để trang khi cho các khu trục hạm lớp Sovremenny.

Vào những năm đầu của thập niên 1970, gia đình tên lửa P-15 đã không còn đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hải Quân hiện đại khi có khả năng thâm nhập kém cùng tầm bắn ngắn. 

Trước tình hình trên, một nhóm các nhà thiết kế từ MKB Raduga (Dubna) đã bắt đầu phát triển loại tên lửa chống tàu siêu âm mới được định danh 3M80 Moskit (SS-N-22 Sunburn) hay còn được gọi với tên khác là P-80. 

Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường mới bằng radar chủ động/bị động phát triển bởi GosNPO Altair. Radar của tên lửa có thể chuyển đổi từ chế độ chủ động sang bị động khi gặp phải các biện pháp đối kháng điện tử mạnh của đối phương. 

Cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào năm 1973 và đến năm 1981 tên lửa được chính thức đưa vào biên chế với phiên bản đầu tiên 3M80/P-80 có tầm bắn 93 km. 

Đến năm 1984 xuất hiện phiên bản hiện đại hóa 3M80M/P-80M (phiên bản xuất khẩu 3M80E) có tầm bắn tăng lên 120 km và phiên bản cuối cùng là 3M82 Moskit-M/P -270 có tầm bắn lên tới 160 km, bệ phóng của tên lửa là loại KT-190M.

Moskit có hình dáng đặc trưng với những cánh lái cánh hình chữ "X" ở giữa thân và phần đuôi. Tên lửa có động cơ khởi tốc sử dụng nhiên liệu rắn hoạt động trong 4 giây đầu tiên sau khi phóng và động cơ phản lực dòng thẳng sử dụng nhiên liệu lỏng cho giai đoạn bay hành trình. 

Tầm bắn tối đa của Moskit đạt 120 km khi bay ở chế độ cao-thấp hoặc 80 km với chế độ thấp-thấp, cự ly tương ứng là 160 km và 120 km cho bản nâng cấp 3M82. 

Các thông số trên là tầm bắn đã tính tới đường bay thao diễn còn thực tế tên lửa có thể đạt tầm bắn xa hơn nếu bay trực tiếp đến mục tiêu. Tốc độ của Moskit đạt Mach 3 ở tầm cao và Mach 1,5 khi bay tầm thấp. 

Moskit thường chỉ có thể bị phát hiện khi đã tiến sát, cách mục tiêu dưới 30 km, với tốc độ đó đối phương chỉ có chưa đầy 30 giây để phản ứng. 

Đồng thời phương thức dẫn bắn bằng radar thụ động cho phép tên lửa nhận diện những nguồn gây nhiễu tích cực và sử dụng chúng làm kênh dẫn đường. Đặc tính này khiến cho Moskit có khả năng chống chế áp điện tử rất cao.

Moskit là một trong số những tên lửa chống tàu thành công nhất của Nga. Nó chuyên dùng chống lại những hạm đội của hải quân Nato trên Biển Baltic (Đan Mạch và Đức) và Biển Đen (Thổ nhĩ kỳ) và những nước không thuộc NATO trong Thái Bình Dương ( Nhật, Hàn Quốc...) mục tiêu khác là những nhóm tàu đổ bộ của NATO. 

Khi chống lại các mục tiêu đó, những tàu chiến nhỏ sẽ đánh theo biên đội gồm 2 đến 4 chiếc và sẽ tấn công kiểu “bắn và bỏ chạy” với từ 8 đến 16 tên lửa được bắn đi trong cùng một loạt. 

Tên lửa Moskit được lập trình tọa độ, khai hỏa trong cùng một thời gian và bay theo hành trình dự kiến đến mục tiêu gần như cùng 1 lúc. Chiến thuật tương tự được sử dụng chống lại các tàu vận tải ven bờ, mặc dù số lượng tên lửa được phóng sẽ ít hơn (2 - 4 tên lửa cho một mục tiêu). 

Các tàu khu trục trang bị Moskit được tổ chức thành các nhóm tấn công lớn của hải quân, hình thành xung quanh hạt nhân là các tàu tuần dương. 

Mục đích của nhóm này trong Chiến tranh Lạnh là để bảo vệ khu vực phía Bắc chống lại sự xâm nhập của hải quân NATO, hỗ trợ những chiến dịch đổ bộ của hải quân Xô viết, và trong những điều kiện thuận lợi - để kiểm soát và cắt đứt đường vận chuyển trên Đại Tây Dương và phá vỡ kênh thông tin biển giữa Mỹ và Châu Âu. 

Hiện nay trong Hải quân Nga, tên lửa Moskit đang từng bước được thay thế bởi những thế hệ “đàn em” tiên tiến hơn như Oniks hay Kalibr có quỹ đạo phức tạp và mức độ tàng hình tốt hơn nhiều.